Với mong muốn nâng tỉ lệ người lao động (NLĐ) khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện để có chính sách an sinh xã hội khi về già, ngày 9.6, Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) tổ chức chương trình Tọa đàm với chủ đề “Hiến kế mở rộng diện bao phủ BHXH với lao động phi chính chức”.

Tại tọa đàm, các diễn giả đã thông tin, trao đổi về vấn đề tham gia BHXH tự nguyện của lao động phi chính thức. Đồng thời, đề xuất các giải pháp, bày tỏ ý kiến để mở rộng diện bao phủ BHXH cho lao động phi chính thức.
Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, hiện nay cả nước có tổng số gần 18 triệu lao động phi chính thức, trong đó chỉ 0,2% được đóng bảo hiểm bắt buộc, 1,9% đóng BHXH tự nguyện, còn lại 97,9% không tham gia loại bảo hiểm nào.
Ông Tạ Việt Anh – Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ các chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam, cho rằng, điều này dẫn đến tình trạng “lọt lưới an sinh” ở phần không nhỏ người lao động. Điều đó đồng nghĩa với việc họ phải chịu rất nhiều thiệt thòi vì không được bảo vệ đầy đủ với hệ thống pháp luật về lao động. Bởi lao động ở khu vực phi chính thức chưa được hưởng các chính sách, chế độ an sinh xã hội cơ bản như BHXH, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, giờ lao động và chế độ nghỉ ngơi, nghỉ phép, ốm đau, thai sản…Trong khi, lao động khu vực phi chính thức hiện đang giữ vị trí, vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo.
Theo ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc BHXH TP Hồ Chí Minh, lý do khiến nhiều lao động khu vực phi chính thức không mặn mà với BHXH tự nguyện bởi vì thời gian đóng BHXH kéo dài, sau khi đóng đủ năm phải chờ đến đủ tuổi để được nhận lương hưu. Bên cạnh đó, để có thể tham gia BHXH tự nguyện, lao động phải có nguồn tài chính vừa đủ đảm bảo nhu cầu sống vừa phải dư một khoản để đóng BHXH. Bên cạnh đó, nhiều người không nhận thức được tầm quan trọng khi tham gia BHXH tự nguyện. Chính những lí do này khiến lao động khu vực phi chính thức chưa mặn mà với BHXH.