Chị Dung chia sẻ, chị đến với nông nghiệp công nghệ cao từ những năm 2000, khi nhận thấy ở địa phương có nhiều nông dân không có nhu cầu sản xuất nông nghiệp. Chị đã mạnh dạn đứng ra thuê lại đất của người dân, sau đó gây dựng nên Công ty cổ phần Đầu tư công nghệ xanh chuyên sản xuất cung ứng rau, củ, quả. “Vào thời điểm đó, tôi phải đi vay mượn để đầu tư hàng tỷ đồng vào nông trại “công nghệ cao” - một thứ vẫn còn quá xa lạ với người dân nơi đây và được dự báo là “may ít, rủi nhiều” – chị Dung chia sẻ.
Ban đầu chị ưu tiên chọn đất thích hợp cho yêu cầu của từng loại rau, rồi tiến hành canh tác. Khi rau quả lớn hơn một chút thì phải dùng tay nhổ cỏ chứ không dùng thuốc diệt cỏ vì sợ làm ô nhiễm môi trường đất, nước và đặc biệt là sức khỏe của người tiêu dùng. “Tôi muốn hướng tới môi trường sản xuất bền vững, tuyệt đối không có việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ, phân bón thì chủ yếu dùng phân hữu cơ” – chị Dung nói.
Hiện tại, nông trại rau quả của Việt Xanh của gia đình chi Dung được duy trì sản xuất ổn định trên diện tích gần 6 ha, với mô hình canh tác trong nhà lưới và cho sản lượng từ 250-300 tấn/năm. Nông trại của gia đình chị hiện đang tạo việc làm thường xuyên cho gần 100 lao động địa phương với mức lương bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Sau từng ấy năm “vật lộn”, đến giờ chị đã có thể gia nhập hội “Những nông dân hữu cơ” và tiến tới sản xuất bền vững. "Trong tương lai tôi sẽ đưa vào sử dụng nhà điều hành với hệ thống tưới tự động thông minh, điều khiển việc chăm sóc rau quả bằng điện thoại smartphone… trị giá gần 2 tỷ đồng” – chị Dung chia sẻ.