Cuộc thi đã nhận được nhiều lượt đăng ký cũng như sự quan tâm từ các nhà thiết kế trẻ. Với tiêu chí kết hợp giữa quảng bá văn hóa dân tộc cùng trang phục, các nhà thiết kế tài năng của Việt Nam không làm khán giả thất vọng với những bản vẽ sinh động và giàu ý nghĩa.
Dù mới là những bản phác thảo nhưng sự sáng tạo không giới hạn và ý tưởng được ban tổ chức đánh giá là chất lượng. Nguồn cảm hứng nổi bật trong các tác phẩm dự thi chủ yếu đến từ những làng nghề truyền thống; nét đẹp văn hóa, lịch sử Nam Bộ, Tây Bắc; bên cạnh đó là các tác phẩm mang dấu ấn cội nguồn.
Bộ trang phục "Vựa muối Việt" của nhà thiết trẻ Vũ Tuấn Hưng lấy cảm hứng từ hình ảnh đặc trưng của những ruộng muối lâu đời tại Việt Nam. "Vựa muối Việt" không chỉ tôn vinh nghề làm muối, mà còn lan tỏa thông điệp về sự yêu nghề và yêu quê hương của người Việt Nam.

Cũng lấy cảm hứng từ làng nghề truyền thống Việt Nam, thiết kế "Sấm đọi tam" của Nguyễn Chí Tường mong muốn tôn vinh làng nghề trống Đọi Tam 1.000 năm tuổi ở Hà Nam.
"Khúc phồn hoa" của nhà thiết kế Nguyễn Hoàng Minh Tiến là một trong những bài thi đầu tiên được công bố. Trang Phục lấy cảm hứng từ tòa nhà Landmark 81, một biểu tượng kiến trúc mới của Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhà thiết kế Nguyễn Anh Tuấn lấy cảm hứng từ tình yêu dành cho điệu múa xòe - Biểu tượng tình yêu của người dân tộc Thái để thiết kế tác phẩm "Múa điệu xòe hoa".

Bên cạnh đó, những tác phẩm gợi nhớ cội nguồn, thể hiện niềm tự hào "con rồng cháu tiên", "ngàn năm văn hiến" cũng được thiết kế một cách mới mẻ, hiện đại, mang cảm hứng về một tương lai của văn hóa Việt Nam nhưng không làm mất đi giá trị và bản sắc dân tộc độc đáo vốn có.

Cuộc thi diễn ra đến hết ngày 13.9.2023. Ban tổ chức cuộc thi bày tỏ mong muốn mang đến những tác phẩm đẹp độc đáo, sáng tạo, phá cách và khác biệt chưa từng xuất hiện trong các cuộc thi thiết kế trang phục dân tộc trước đây.