Ở lò luyện thi Đại học của “Ký ức vui vẻ”, các nghệ sĩ được dịp nhớ lại những kỷ niệm khi còn “cắp sách đến trường”, á hậu Hà Thu chợt nhớ đến ngày xưa khi còn đi học cứ phải liên tiếp chạy từ lớp học thêm này đến lớp học thêm khác chỉ với ước mơ và mục tiêu có thể thoát khổ bằng con đường đại học.
Cho đến tận bây giờ khi đã thành công và có được danh hiệu mà nhiều người ao ước, Hà Thu đôi lúc vẫn giật mình trong mơ bởi những cơn ác mộng không thi đỗ.
Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng có phần may mắn và con đường học hành cũng suôn sẻ hơn khi liên tiếp nhận được học bổng, phụ giúp lại gia đình. Ca sĩ Chí Thiện bỏ học Đại học giữa chừng, ca sĩ Trương Quỳnh Anh chỉ học hết lớp 10 để đi đóng phim.

Mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi lựa chọn khác nhau nhưng luôn gặp nhau ở điểm mong muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Và dù là lựa chọn thế nào, miễn là điều mình đam mê và giúp ích cho xã hội thì đều đáng trân quý.
Trong một hoạt cảnh vui nhộn, sự xuất hiện của chiếc máy đánh chữ khơi gợi nhiều kỷ niệm khó quên. Nhà báo Minh Đức cho biết, từ ngày bé đã có cơ hội được tiếp xúc nhiều với chiếc máy đánh chữ bởi hay theo mẹ đến cơ quan: “Ở trường học của mẹ có cô Phúc văn thư đánh máy siêu phàm.
Nhìn bàn phím qwerty không hiểu sao có thể đánh máy được như thế. Lúc làm ở tòa soạn, các phòng ban đã có máy tính rồi nhưng một số bộ phận vẫn sử dụng vì đã quen thuộc và khó chuyển đổi. Hôm nay thấy lại chiếc máy này làm mình khá bồi hồi”.
Ca sĩ Pha Lê bồi hồi kể kỷ niệm hồi bé: “Ông em là nhà thi sĩ Lê Đại Thanh, cụ hay soạn thơ bằng máy đánh chữ, mỗi lần cụ sáng tác là em ngồi trong lòng”.
NSND Tự Long nhấn mạnh: “Những gia đình mua máy này khá ít. Chủ yếu là các cơ quan xí nghiệp, đoàn thể mới dùng thôi”.