Ly kỳ sự tích về dòng sông chảy ngược nối đôi bờ Đắk Nông - Đắk Lắk

Phan Tuấn |

Phần lớn các con sông ở nước ta có dòng chảy từ Tây sang Đông. Thế nhưng, với sông Sêrêpôk thì ngược lại, nó chảy từ Việt Nam sang nước bạn Campuchia rồi hòa vào dòng chảy của của sông Mê Kông xuôi về miền Tây Nam Bộ và đổ ra biển lớn.

Tương truyền việc hình thành dòng sông Sêrêpôk kỳ vỹ này bắt nguồn từ chuyện tình cảm động của một đôi trai gái đang ở tuổi trăng tròn.

Chuyện tình bên dòng sông Sêrêpốk

Chuyện xưa kể rằng, trước đây sông Krông Knô và Krông Ana chỉ là một dòng sông Sêrêpôk. Ngày ấy, có một chàng trai của buôn Kuôp đem lòng yêu một người con gái ở bên kia sông. Tuy nhiên, họ lại thuộc hai dòng họ có mâu thuẫn từ hàng trăm năm trước.

Thế nên, khi biết chuyện tình yêu của đôi trai gái này thì cả hai dòng họ đã tìm mọi cách để ngăn cản, chia cắt. Nhưng vì quá yêu nhau nên cả hai vẫn thề non, hẹn biển.

Trong một đêm trăng thanh gió mát, bên dòng Sêrêpôk, đôi uyên ương nguyện thề nếu không đến được với nhau thì sẽ quyên sinh cùng ở bên nhau mãi mãi.

Sau khi họ chết, mây đen bỗng nhiên từ đâu kéo đến nhiều vô kể, trời đất đen ngòm, dòng sông cuồn cuộn nước. Đến sáng hôm sau, khi mọi người thức dậy, dòng sông đã rẽ thành hai dòng từ lúc nào. Lúc này, dòng sông cũng trở thành hai màu nước khác biệt, bên ngầu lên màu đỏ và bên còn lại thì trong xanh, hiền hòa.

Khi tình yêu của đôi trai gái hóa thành dòng nước cuồn cuộn để rồi khi gặp nhau đã hình thành hàng loạt thác ghềnh hùng vỹ liên tiếp như: Gia Long, Dray Sáp, Dray Nur, Trinh Nữ...

Ngày nay, những thác nước trên dòng sông chảy ngược này đã hình thành nhiều điểm tham quan du lịch nổi tiếng và luôn được khách yêu thiên nhiên trong và ngoài nước tìm đến thăm quan, tìm hiểu.

Sông Sêrêpôk nối đôi bờ hai tỉnh Đắk Nông - Đắk Lắk. Ảnh: Phan Tuấn
Sông Sêrêpôk nối đôi bờ hai tỉnh Đắk Nông - Đắk Lắk. Ảnh: Phan Tuấn

Nơi hợp nhất của sông Đực và sông Cái

Dòng sông Sêrêpốk được hợp nhất từ hai dòng Krông Knô và Krông Ana. Hai con sông này khởi nguồn từ lòng núi Chư Yang Sin có độ cao hơn 2.400m, chảy song song nhau. Khi đến địa phận xã Quỳnh Ngọc, huyện Krông Ana, Đắk Lắk thì hai dòng sông này hợp lưu thành sông Sêrêpôk.

Theo chuyện kể của người dân M’Nông bản địa thì sông Krông Knô là sông Đực, còn Krông Ana là sông Cái. Ngoài tên gọi này thì cũng có nhiều người gọi hai dòng sông này là dòng cha và dòng mẹ.

Cả hai nhánh sông này bồi đắp cho cánh đồng lúa trù phú rộng lớn hàng ngàn hecta là: Buôn Trấp ở huyện Krông Ana - tỉnh Đắk Lắk và Buôn Chóah, ở huyện Krông Nô - tỉnh Đắk Nông.

Một điều ly kỳ nữa là Tây Nguyên có độ cao lớn so với mực nước biển nên là khu vực thượng nguồn của nhiều con sông. Thế nhưng, dòng Sêrêpôk thì khác hẳn với nhiều con sông khác của nước ta khi nó chảy không theo quy luật chung là từ Đông sang Tây mà lại theo hướng ngược lại.

Sông Sêrêpôk chảy ngược từ vùng đất Tây Nguyên rộng lớn sang nước bạn Campuchia hòa vào dòng Mê Kông, xuôi về Việt Nam thành dòng Cửu Long rồi đổ ra biển Đông.

Phan Tuấn