Sinh ra trong một gia đình không ai theo đuổi sự nghiệp ca hát, thế nhưng ngay từ nhỏ, ca sĩ Như Hảo sớm bộc lộ khả năng ca hát, là “cây văn nghệ” của trường. Dù là thành viên nhỏ nhất khi tham gia Đoàn hội, nhưng trong những buổi sinh hoạt hay bất cứ dịp lễ nào cô đều được “điểm mặt chỉ tên” lên sân khấu.
“Cứ đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 hay trường có những tiết mục văn nghệ, tôi đều được chọn lên hát, đồng thời cũng là người hướng dẫn các bạn trong nhóm tập múa, tập hát”, cô hào hứng kể lại.
Là “cây văn nghệ” của trường trong suốt những năm tháng cắp sách đến trường, từ đó cũng rèn luyện cho nữ ca sĩ nhiều kỹ năng trình diễn. Sau khi tốt nghiệp, giọng ca 7X cũng ghi danh ở nhiều cuộc thi, song đến với Tiếng hát truyền hình TPHCM 1992, cô xuất sắc giành giải nhất và đưa tên tuổi của bản thân bước lên tầm cao mới.
Nhớ lại khoảnh khắc được xướng tên cho giải thưởng cao nhất của Tiếng hát truyền hình TPHCM 1992, Như Hảo hạnh phúc chia sẻ: “Đêm chung kết quyết định, tôi dự thi hai ca khúc, đó chính là Người mẹ của tôi (Xuân Hồng) và Thành phố tình yêu và nỗi nhớ (Phạm Minh Tuấn). Sau khi tôi hát xong, giám khảo Phạm Minh Tuấn chấm với số điểm tuyệt đối là 20 điểm, đây là số điểm cao nhất và cũng là duy nhất trong cuộc thi mà bác ấy chấm. Sau đó, cả khán phòng dường như vỡ òa vì biết được thí sinh nào được giải cao nhất. Tôi còn nhớ, lúc đó không khí vui nhưng cũng không kém phần hồi hộp”.
Dự thi với hai ca khúc đều là sáng tác của hai nhạc sĩ và cũng là giám khảo của cuộc thi, khi được MC Minh Đức đề cập đến việc điều gì mang tính thuyết phục cao trong phần dự thi của mình, giọng ca 7X bày tỏ: “Tôi chọn ca khúc Người mẹ của tôi để đi thi vì tôi thấy giai điệu của bài hát này hợp với chất giọng của mình. Còn về Thành phố tình yêu và nỗi nhớ thì đây chính là ca khúc mà tôi rất yêu thích từ khi còn nhỏ. Vì vậy, ngay từ bắt đầu cuộc thi, tôi tự nói với chính mình rằng, nhất định phải chọn ca khúc này chứ không hẳn là chọn nhạc sĩ. Bởi khi hát một ca khúc mà bản thân yêu thích thì sẽ hát với tất cả những cảm xúc và những kỹ thuật đã học được, tôi nghĩ bản thân làm tròn được bài hát nên làm vừa lòng tác giả và cho mình số điểm cao nhất”.
Bước ra từ Tiếng hát truyền hình TPHCM 1992 với giải thưởng cao nhất, nữ ca sĩ gốc Tây Ninh cơ hội nghề nghiệp rộng mở hơn. Cô tham gia nhiều chương trình âm nhạc, đi hát tại nhiều tụ điểm và tên tuổi đến gần hơn với công chúng. Ngoài ca hát, cô hài hước cho biết, thời điểm đó, bản thân như bầu show khi các công ty, doanh nghiệp liên hệ để nhờ mời ca sĩ, nhóm nhạc...
Một trong số những kỷ niệm đắt giá với Như Hảo sau cuộc thi đó chính là đi diễn tại các trường đại học. Cô choáng ngợp trước sự nhiệt tình, hào hứng của sinh viên. Điều đáng chú ý chính là bức ảnh nữ ca sĩ đi diễn tại một trường đại học vào năm 1997 được một sinh viên chụp lại, nhưng mãi đến thời gian gần đây, nhân vật này mới gửi cho cô qua mạng xã hội. Nữ ca sĩ cho hay, bản thân trân trọng tình cảm của khán giả này dành cho mình.