Nhạc trưởng Yutaka Sado: “Mọi đứa trẻ đều có thể là thần đồng”

Nguyên Lê |

Người sáng lập nên Dàn nhạc trẻ em danh tiếng tại Nhật Bản mang tên “Những đứa trẻ thần đồng” nói rằng “Mọi đứa trẻ đều có thể là thần đồng” và “người lớn nên mang tới cho trẻ em những cảm giác thích thú và cơ hội trải nghiệm hơn là áp lực của sự kỳ vọng”.

Biểu tượng tái thiết

Vị nhạc trưởng tài ba của đất nước “Mặt trời mọc” nói rằng ở Nhật Bản không có phong tục đón Tết Nguyên đán. Cách truyền thống của người cao tuổi Nhật Bản đón Tết là xem Kohaku Uta Gassen phát sóng trên NHK, ăn Toshikoshi soba, nghe Jyoya-no-kane (tiếng chuông năm mới) và đến Hatsumoude (đền thờ năm mới) vào ngày 31/12. Vào ngày 1/1, cả gia đình quây quần ăn uống Ozoni và Osechi-ryori. Nhưng kể từ khi bắt đầu làm nhạc trưởng, tôi thường nghỉ Tết ở nước ngoài và ít khi ăn mừng năm mới theo cách truyền thống của người Nhật”.

Và năm nay, ông đã đón năm mới tại Việt Nam bằng việc mang dàn nhạc trẻ thần đồng - Super Kids Orchestra (SKO) do ông sáng lập từ 20 năm trước – tham dự buổi hòa nhạc “The Great Wave” do Dàn nhạc Giao hưởng Trẻ Việt Nam (VYO) tổ chức. Vào đúng lúc nước Nhật của ông phải đón nhận hai tin không vui vào những ngày đầu tiên của năm mới 2024: những trận động đất liên tiếp và ngay sau đó là vụ chiếc máy bay Airbus bị cháy (mà sau đó, truyền thông thế giới lại phải thêm lần nữa nghiêng mình trước cái gọi là “phép màu Nhật Bản - được làm nên bằng tính kỷ luật và sự điềm tĩnh thường thấy ở người Nhật). Và SKO vốn dĩ cũng là một dàn nhạc đặc biệt: Được thành lập năm 2003 với buổi hoà nhạc đầu tiên được tổ chức ở thành phố Kobe (thuộc tỉnh Hyogo), SKO được xem là một trong những nỗ lực của chính quyền địa phương cũng như tâm niệm của nhạc trưởng Yutaka Sado nhằm giúp tái thiết tâm hồn cho người dân vùng tâm chấn sau thảm họa động đất kinh hoàng từng diễn ra gần 10 năm trước đó. Dự án đặc biệt kỷ niệm 20 năm thành lập SKO được triển khai cho đến tháng 3/2024 của dàn nhạc nổi tiếng Nhật Bản này vì thế cũng sẽ ưu tiên các khu vực từng là tâm chấn, thay vì chỉ diễn ra tại các thành phố lớn.

“Gọi là “Những đứa trẻ thần đồng”, vì trên thực tế, các em phải trải qua những vòng tuyển chọn vô cùng khắt khe với chỉ 26 thành viên ban đầu (hiện tại là gần 40 em). Phần lớn các buổi hòa nhạc của chúng tôi thường được tổ chức vào mùa hè. Tuy nhiên, sau thảm họa kép động đất/ sóng thần xảy ra tại phía đông Nhật Bản vào năm 2011, SKO bắt đầu biểu diễn ở những khu vực bị ảnh hưởng. Và đó là một cột mốc giúp thay đổi mạnh mẽ nhận thức đối với các thành viên của Dàn nhạc. Những buổi biểu diễn không thể đặc biệt hơn với các nhạc công cổ điển: Thay vì không gian sang trọng của nhà hát, chúng tôi trình diễn ngay tại các sân khấu dã chiến như sân trường, nhà thể chất..., trước những khán giả mất hết tài sản, nhà cửa, người thân, những tiếng vỗ tay chan hòa nước mắt... Một cách nào đó, chính khán giả đã dạy chúng tôi về giá trị gốc rễ của âm nhạc: chia sẻ niềm vui, tình thương và chữa lành, an ủi...

20 năm, kể từ khi thành lập, SKO đã luôn được coi là biểu tượng của sự tái thiết, là một điều gì đó trẻ trung tươi mới và luôn thuộc về tương lai”.

Kỷ luật - “Phép màu Nhật Bản”

20 năm, đủ để những đứa trẻ ngày đó kịp lớn lên và tiến thêm những bước dài trong sự nghiệp riêng, có thành viên thậm chí còn được tuyển chọn vào Dàn nhạc London danh tiếng. Và những đứa trẻ lớp sau lại kế tiếp, dưới sự dẫn dắt miệt mài của vị nhạc trưởng tài ba: “Các thành viên dàn nhạc phần lớn nằm trong độ tuổi từ 13 -18, và tôi may mắn được đồng hành cùng các em trong khoảng thời gian quan trọng của việc hình thành nhân cách và rèn giũa tài năng này. Để có được sự nghiệp vững chãi như ngày hôm nay, tôi may mắn được thọ giáo từ hai người thầy quan trọng vốn là hai nhà soạn nhạc nổi tiếng thế giới mà tôi ngưỡng mộ từ nhỏ. Họ đã dạy tôi không chỉ kỹ thuật mà còn truyền cảm hứng cho tôi về nhân cách đẹp, sự phóng khoáng cởi mở, luôn mở rộng vòng tay trước học trò cùng tinh thần học hỏi, cầu thị cả khi đã nhiều tuổi và có thừa danh tiếng. Họ thực sự đã giúp tôi tìm được ý nghĩa cuộc sống. Tất cả những điều đó, ngày hôm nay tới lượt tôi lại truyền lại cho học trò của mình. Tôi nghĩ rằng khả năng của các bạn trẻ là vô hạn. Bằng cách đem đến nhiều cảm giác thích thú và cơ hội trải nghiệm, những sự thay đổi sẽ xảy ra và phát triển. Tôi nghĩ trách nhiệm của người lớn là phải cung cấp những cơ hội như vậy...”.

Để duy trì một dàn nhạc trẻ em tồn tại suốt 20 năm qua, thêm lần nữa, câu chuyện về tính kỷ luật của người Nhật lại được nhắc tới: “Người Nhật đều rất nghiêm túc, vì vậy các thành viên luôn luyện tập chăm chỉ và có khả năng biểu diễn ở trình độ rất cao về mặt kỹ thuật để xứng đáng với tên gọi của dàn nhạc: Những đứa trẻ thần đồng. Muốn vậy, bản thân tôi trước hết cũng phải là một tấm gương để các em nhìn vào. Có điều, tính kỷ luật trong dàn nhạc cũng giống như quy định về tốc độ của ô tô vậy: có quãng bạn bị khống chế tốc độ, nhưng cũng có những quãng, bạn được phóng thả phanh hơn. Một dàn nhạc ăn ý là một dàn nhạc vừa được kiểm soát tốt bởi chỉ huy nhưng cũng có những chỗ, nhạc công phải được phiêu tự do theo cảm xúc của mình...”

Có không, “phép màu Nhật Bản” mang tên: Kỷ luật, như truyền thông thế giới vừa qua đã nghiêng mình trước Nhật Bản trong vụ giải cứu kịp thời gần 400 hành khách và thành viên phi hành đoàn khỏi chiếc máy bay Airbus bị cháy vào ngày 2/1/2024? “Giáo dục nhà trường là rất quan trọng, vì nó giúp hoàn thiện nhân cách con người từ tấm bé. Ở Nhật Bản, học sinh cấp 1 được giáo dục rất nghiêm khắc về tính kỷ luật, vì người Nhật cho rằng đấy là một trong những phẩm chất quan trọng của mỗi công dân trong đời sống hiện đại, ở một đất nước luôn thường xuyên phải chung sống với thảm họa thiên tai. Con gái tôi trước khi du học tại Áo cũng đã may mắn được trang bị về tính kỷ luật và sự khuôn phép của nền giáo dục Nhật để ít nhất, ra đường gặp ai cũng chào hỏi, luôn nói lời cảm ơn, biết xếp hàng theo quy định.... và hơn hết, là luôn có được sự điềm tĩnh khi xảy ra sự cố, hỗn loạn. Việc toàn bộ hành khách kịp thoát hiểm trong vụ máy bay bị cháy, tôi không cho rằng đấy là một phép màu, tôi nghĩ đấy là một kỹ năng sẵn có của người Nhật, cộng thêm may mắn.

Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt của nó. Cũng vì quá tuân thủ tính kỷ luật mà trong một số trường hợp, người Nhật có phần cư xử hơi cứng nhắc và có thể gặp bất lợi vì phản ứng chậm. Lý tưởng nhất vẫn là vừa duy trì được tính kỷ luật nhưng cũng cần linh hoạt trong một số trường hợp cần ứng biến”.

Sức mạnh của lòng biết ơn

Khi quyết định đặt cái tên đó cho dàn nhạc trẻ em của mình, vị nhạc trưởng tài ba quan niệm rằng: “Mọi đứa trẻ đều có thể là thần đồng nhưng cuộc đời của các em sẽ khác nhau tùy thuộc bố mẹ và nhà trường sẽ dẫn các em đến đâu. Công thức tạo ra thần đồng nếu có thì đấy nên là phép cộng giữa tài năng, nỗ lực và cả sự may mắn, sau đó đem nhân với lòng biết ơn. Lúc nào cũng nên mang theo bên mình lòng biết ơn vì sức mạnh của nó rất tuyệt vời, trong bất cứ hoàn cảnh nào nếu có lòng biết ơn sẽ nhân lên tài năng, nỗ lực và may mắn...”

“Công thức tạo ra thần đồng nếu có thì đấy nên là phép cộng giữa tài năng, nỗ lực và cả sự may mắn, sau đó đem nhân với lòng biết ơn”
“Công thức tạo ra thần đồng nếu có thì đấy nên là phép cộng giữa tài năng, nỗ lực và cả sự may mắn, sau đó đem nhân với lòng biết ơn”

Vậy, quyền được làm một người bình thường của một đứa trẻ? Nên chăng, việc cha mẹ kỳ vọng quá nhiều vào con cái? “Tôi từng là một đứa trẻ lớn lên trong sự kỳ vọng của gia đình vì là “con nhà nòi”, với bố là giảng viên âm nhạc và mẹ là ca sĩ. Bố mẹ đã luôn chờ đợi tôi giành giải Nhất trong các kỳ thi âm nhạc. Nhưng tôi nghĩ đó là vấn đề cá nhân của tôi và không có vấn đề gì lắm vì nó luôn nằm trong khả năng của tôi, niềm yêu thích của tôi. Còn thì, thường ra, tôi cho rằng bố mẹ không nên kỳ vọng quá nhiều ở con cái, mà tốt hơn hết là nên tìm cái gì yêu thích cho các con, hướng sự quan tâm của chúng vào đó... Một đứa trẻ hạnh phúc là đứa trẻ khỏe mạnh, được ăn những bữa ăn ngon và được sống vui vẻ với những điều chúng thực sự yêu thích, thay vì phải chịu những áp lực của sự kỳ vọng...”

Yutaka Sado hiện là Giám đốc Âm nhạc của Dàn nhạc Tonkünstler ở Áo, Giám đốc Nghệ thuật của Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật Hyogo - một trong những địa điểm nghệ thuật hàng đầu của Nhật Bản và dàn nhạc thường trú tại Nishinomiya, Nhật Bản, đồng thời là Chỉ huy trưởng của Dàn nhạc Gió Siena ở Tokyo, Giám đốc Âm nhạc của New Japan Philharmonic. Tại Nhật Bản, Yutaka Sado là một nhạc trưởng gạo cội trong lòng công chúng qua loạt chương trình truyền hình về Âm nhạc cổ điển được phát sóng hàng tuần trong suốt 8 năm và số lượng đồ sộ các chương trình hòa nhạc lớn trong nước.

"Một nhạc trưởng uy tín và có khả năng trình diễn tuyệt vời", theo The Washington Post. Đồng thời, ông được biết đến là học trò của nhạc trưởng vĩ đại bậc nhất thế kỷ 20 - Leonard Bernstein và niềm tự hào của Châu Á - Seiji Ozawa. Ông được biết đến với vô số màn trình diễn lôi cuốn với Berliner Philharmoniker, London Philharmonic Orchestra, BBC Philharmonic, Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia ở Washington DC…

Năm 2023, ông sáng lập Super Kids Orchestra (SKO) - dàn nhạc trẻ hàng đầu Nhật Bản. Dưới sự dẫn dắt của vị nhạc trưởng tài ba trong vai trò Giám đốc nghệ thuật, suốt 20 năm qua, SKO liên tiếp gây ấn tượng với khán giả và giới chuyên môn bằng những màn trình diễn xuất sắc, đặc biệt là chuyến lưu diễn toàn Nhật Bản kỷ niệm 10 năm thành lập SKO và buổi biểu diễn "Yutaka Sado en concert a l'UNESCO" tổ chức tại trụ sở chính của UNESCO tại Pháp. SKO cũng đồng thời là cái nôi nuôi dưỡng tài năng của nhiều ngôi sao, tài năng trẻ triển vọng trong giới âm nhạc cổ điển của Nhật Bản như nghệ sĩ cello Sasanuma Tatsuki, nghệ sĩ violin Hina Maeda...

Nhạc trưởng Dàn nhạc Giao hưởng Trẻ Việt Nam (VYO), nghệ sĩ cello Phan Đỗ Phúc: Một trình độ “thượng thừa” và năng lượng “khủng”!

“Điều mà tôi lĩnh hội được sau 2 năm vận hành và làm việc tại Dàn nhạc Giao hưởng Trẻ Việt Nam (VYO) là việc tin tưởng vào tiềm năng của các bạn trẻ. Tôi đã may mắn được đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác, khi các bạn có thể thực hiện những điều mà cánh người lớn chúng tôi tưởng rằng chỉ người lớn mới làm được tốt. Tôi còn nhớ như in buổi tập đầu tiên của VYO đầu năm 2022, khi dàn dây của VYO cất lên những âm thanh đầu tiên của bản Andante Festivo, bản nhạc viết cho dàn dây của nhạc sĩ lừng danh Jean Sibelius. Những thanh âm đầy năng lượng, nhiệt thành, trong sáng, không chút lo sợ của các bạn trẻ đã cho tôi động lực mỗi buổi sáng chủ nhật trong suốt hai năm qua.

Nhạc trưởng Phan Đỗ Phúc.
Nhạc trưởng Phan Đỗ Phúc.

Gần đây, tôi đã lại có một trải nghiệm ngỡ ngàng như vậy, khi được biết đến và nhìn thấy các bạn trẻ của Dàn nhạc trẻ Super Kids Orchestra biểu diễn. Khác với VYO - nơi phần lớn thành viên có định hướng không chuyên, hầu hết những thành viên của SKO là những bạn trẻ định hướng chuyên nghiệp, thậm chí được coi là “thần đồng”. Trong 30 năm học tập và giảng dạy của mình, tôi đã từng gặp những bạn trẻ hết sức tài năng, nhưng nhìn thấy gần 40 bạn trình độ “thượng thừa” và năng lượng khủng khiếp như vậy thì đây là lần đầu tiên. Có được cơ hội mời SKO về Việt Nam biểu diễn và giao lưu cùng với VYO quả thật là một niềm vui sướng. Tôi tin rằng được nhìn thấy các bạn đồng trang lứa đang thực hành nghệ thuật một cách nghiêm túc và nhiệt huyết như vậy sẽ là một niềm cảm hứng lớn cho các thành viên của VYO nói riêng, cũng như các bạn trẻ VN nói chung. Sự giao thoa các giá trị văn hoá này, tôi nghĩ rằng, là một trong những điểm vô cùng đẹp đẽ của việc thực hành nghệ thuật”.

Nguyên Lê
TIN LIÊN QUAN

Nhạc sĩ Hoàng Hữu Nguyên - đạo diễn âm nhạc "Xuyên Mộc chào Xuân 2024"

Thành An |

Bà Rịa - Vũng Tàu - Nhạc sĩ Hoàng Hữu Nguyên (tên thật là Nguyễn Ngọc Hữu, sinh năm 1983) đã có hành trình 20 năm gắn bó với các hoạt động âm nhạc - nghệ thuật trên địa bàn tỉnh với những vai trò quan trọng, nhất là các sự kiện dành cho cộng đồng.

Nhóm nhạc Sen Việt ra mắt nhạc Tết “Miền quê dấu yêu” của nhạc sĩ Lăng Lập

DI PY |

Ca khúc “Miền quê dấu yêu” do nhóm nhạc Sen Việt gợi nhớ về những hoài niệm và tình yêu dành cho quê hương trong lòng mỗi người. Ca khúc phù hợp nghe dịp Tết đến xuân về.

Thần đồng âm nhạc một thời - bé Châu sợ hãi với đám đông

DI PY |

Trong số tiếp theo của chương trình Kính đa chiều, khán giả tiếp tục được lắng nghe và bàn luận cùng host Minh Đức, khách mời - ca sĩ Nguyễn Huy (bé Châu) và MC Lê Đình Minh Ngọc về chủ đề Thần đồng âm nhạc.

Nhạc sĩ Hoàng Hữu Nguyên - đạo diễn âm nhạc "Xuyên Mộc chào Xuân 2024"

Thành An |

Bà Rịa - Vũng Tàu - Nhạc sĩ Hoàng Hữu Nguyên (tên thật là Nguyễn Ngọc Hữu, sinh năm 1983) đã có hành trình 20 năm gắn bó với các hoạt động âm nhạc - nghệ thuật trên địa bàn tỉnh với những vai trò quan trọng, nhất là các sự kiện dành cho cộng đồng.

Nhóm nhạc Sen Việt ra mắt nhạc Tết “Miền quê dấu yêu” của nhạc sĩ Lăng Lập

DI PY |

Ca khúc “Miền quê dấu yêu” do nhóm nhạc Sen Việt gợi nhớ về những hoài niệm và tình yêu dành cho quê hương trong lòng mỗi người. Ca khúc phù hợp nghe dịp Tết đến xuân về.

Thần đồng âm nhạc một thời - bé Châu sợ hãi với đám đông

DI PY |

Trong số tiếp theo của chương trình Kính đa chiều, khán giả tiếp tục được lắng nghe và bàn luận cùng host Minh Đức, khách mời - ca sĩ Nguyễn Huy (bé Châu) và MC Lê Đình Minh Ngọc về chủ đề Thần đồng âm nhạc.