"Chuyến xe nhân ái" số mới phát sóng kể về câu chuyện vượt khó của hai gia đình đến từ tỉnh Vĩnh Long. Đó là anh Sơn Thơm (1972) ngụ phường Đông Thuận, thị xã Bình Minh và chị Võ Thị Huỳnh Mai (1995), ngụ xã Mỹ Thạnh Trung, huyện Tam Bình.
Anh Thơm và chị Mai đều là không có nghề nghiệp ổn định, ai thuê gì làm nấy kể cả những công việc nặng nhọc để có tiền trang trải chi phí sinh hoạt của gia đình và lo cho con cái đang tuổi ăn học. Nhiều tháng qua, dịch bệnh kéo dài nên không có việc làm càng khiến cuộc sống của họ thêm bội phần túng thiếu.
Nhận thấy không thể chờ hết dịch để đi làm lại, cả hai gia đình đã quyết định chuyển sang nghề thủ công đan lát, đan lục bình để kiếm tiền. Biết rằng công việc này thu nhập chẳng là bao nên họ cố gắng thức khuya dậy sớm, cặm cụi lấy công làm lời để có cái ăn cái mặc, nhất là trang trải nỗi lo bệnh tật cho người thân.
Được biết, con trai lớn của chị Mai năm nay mới 9 tuổi nhưng cháu đã mang trong người căn bệnh suy thận mãn tính. Chị Mai nghẹn ngào tâm sự: “Nhiều khi thấy con đau nhức tôi tủi lắm mà không dám cho nó thấy mình buồn. Thằng bé biết sắp tới ngày nó phải đi tái khám nên hỏi mẹ: ‘Tuần sau đi khám bệnh, nhà mình còn tiền để khám cho con không mẹ?”. Những lời chia sẻ của chị Mai khiến khán giả không khỏi xót xa trước nỗi lòng của một người mẹ. Cố gắng thuốc thang duy trì sức khỏe cho con cũng chính là động lực lớn nhất để vợ chồng chị Mai càng phải chăm chỉ làm việc nhiều hơn.
Ở quê không có công việc ổn định nên chồng chị Mai phải xin đi làm bốc vác ở xa, còn chị vừa ở nhà chăm con vừa đan khuôn lục bình. Làm được bao nhiêu anh chị lại dành dụm trị bệnh cho con hết bấy nhiêu, nên đến nay gia đình chị Mai vẫn đang ở trọ mà chưa có được tổ ấm của riêng mình.
Nói về những đồng lời eo hẹp của nghề đan thủ công, có lẽ vợ chồng anh Sơn Thơm là người thấu hiểu hơn ai hết bởi anh chị đã có hơn 7 năm ròng cặm cụi với từng khuôn lát chỉ để đổi lại mấy ngàn đồng tiền công. Trước kia, đan lát chỉ là công việc giúp vợ anh phụ đỡ đần với chồng vì chị không thể lao động nặng sau khi mắc bệnh lao màng não liệt nửa người. Nhưng hiện tại, công việc này lại là nguồn sống chính của gia đình vì anh thường xuyên thất nghiệp trong mùa dịch.
“2 - 3 giờ sáng tôi dậy làm tới tối 11-12 giờ khuya mới nghỉ. Một tuần chỉ làm được khoảng một trăm ngàn đồng nên đâu đủ sống, thỉnh thoảng tôi phải mượn người này người kia, khi nào chồng làm có tiền thì lại trả nợ bớt cho người ta”, vợ anh Thơm chia sẻ. Chính sự quyết tâm làm lụng và nghị lực vượt khó của hai gia đình đã khiến ê-kíp tìm đến và trao cho họ cơ hội thay đổi cuộc sống từ số tiền thưởng của chương trình.