Sau gần 30 năm gắn bó với nghề thiết kế thời trang, nông dân Nguyễn Thị Kim Xuân đã đổi hướng chuyển về làm nông nghiệp khi nghe người thân chia sẻ việc ứng dụng công nghệ cao vào canh tác.
Bén duyên và lựa chọn cây ớt do người bạn giới thiệu, chị Kim Xuân đã học hỏi, nghiên cứu thêm nhiều kiến thức về nông nghiệp và mang về những thành tích đáng nể trong việc chọn cây ớt cho hướng đi của mình. Sản phẩm của chị đã có mặt ở thị trường thế giới như: Thụy Sĩ và Pháp. Nữ nông dân cũng là một trong những người tiên phong trồng ớt theo công nghệ cao về Việt Nam.
Đối với quá trình trồng trọt, nông dân Kim Xuân cho biết chỉ sử dụng những thiết bị hàng đầu khi không thể thay thế, còn lại sẽ sử dụng những thiết bị Việt Nam để giá thành giảm xuống nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng qui trình.
Khi được hỏi về nông nghiệp 4.0, nông dân chia sẻ: “Trong suy nghĩ của tôi, tôi mong muốn những người nông dân Việt Nam mình có thể thay đổi được tư duy. Có thể chung tay lại với nhau, từ nhỏ rồi làm thành lớn dần dần lên”.
Để sản phẩm có thể xâm nhập vào thị trường thế giới, chị tiết lộ rằng trước khi trồng ớt đã tìm hiểu ở khắp thị trường nước ngoài và họ rất thích trái ớt của Việt Nam vì nó có mùi thơm và độ cay khác nhau. Nông dân Kim Xuân mong muốn các nhà nông khác khi làm ra sản phẩm nên tư duy về sản phẩm đó dùng vào đâu, ai dùng và có bao nhiêu phần trăm dân số dùng nó.
Sắp tới, nữ doanh nhân sẽ đầu tư cho mô hình rộng hơn, áp dụng những ứng dụng 4.0 vào những loại cây khác và khai thác triệt để nó.