Hoãn thi công tháo dỡ
Trước đó, một băng rôn được treo ở đầu cầu thông báo về thời gian tháo dỡ cầu là ngày 2.1 và cấm các phương tiện lưu thông qua đây.

Tuy nhiên, sau đó lại có văn bản thông báo việc hoãn thi công tháo dỡ công trình cầu Phú Long cũ nối thị xã Thuận An, Bình Dương với quận 12, TP. HCM.
Theo Khu quản lý giao đô thị số 3 thuộc Sở GTVT TP.HCM, lý do hoãn tháo dỡ cầu là việc cấm các phương tiện lưu thông qua cầu sẽ ảnh hưởng lớn đến việc đi lại của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
Thời gian thi công thực hiện tháo dỡ câu cầu này sẽ được khởi công lại sau dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
Trước đó, báo Lao Động đã đưa tin Sở GTVT TP.HCM quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật và kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án tháo dỡ cầu Phú Long cũ – cây cầu làm bằng sắt bắc qua sông Sài Gòn.
Theo đó, sẽ tháo dỡ toàn bộ cây cầu dạng dàn thép Eiffel và dàn vòm thép của cây cầu có chiều dài 251,7m. Tháo dỡ toàn bộ kết cấu nhịp và các trụ cầu. Tổng kinh phí dự án tháo dỡ cầu Phú Long là 14,8 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách của TP.HCM.

Theo Sở GTVT tỉnh Bình Dương, cầu Phú Long mới cách cầu Phú Long cũ khoảng 1km về phía hạ nguồn đã đáp ứng được nhu cầu giao thông của người dân hai tỉnh, thành phố.
Việc tháo dỡ cầu sắt Phú Long cũ được cho là sẽ đồng bộ tĩnh không thông thuyền trên sông Sài Gòn, khai thác giao thông đường thủy góp phần phát triển kinh tế vùng.
Tuy nhiên, vì tính lịch sử của cây cầu, dự kiến sau khi tháo dỡ các cấu kiện cầu sẽ được Bảo tàng TP.HCM lưu dữ.
Nuối tiếc cây cầu hơn 100 năm tuổi
Việc cầu sắt Phú Long bị tháo dỡ, người dân ở phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An tỏ ra tiếc nuối. Lưu luyến cây cầu, những ngày qua ông Đỗ Xuân Âu (70 tuổi, ngụ TP. HCM) đã quay trở lại để được đi trên cây cầu một lần nữa.
Theo ông Âu, cầu sắt Phú Long kết nối người dân Bình Dương và TP.HCM. Người dân đi chợ, đi làm, sinh hoạt đều gắn bó cây cầu này. Trước đây người dân mang nông sản sang chợ Lái Thiêu bán và mua hàng về sinh hoạt rất thuận tiện.
“Cây cầu này gắn bó với tôi 70 năm rồi. Tôi có nhiều kỷ niệm với cây cầu này. Trước đây là cầu đường sắt, chưa đi bộ qua được, muốn sang sông thì phải đi đò. Sau này được thiết kế lại thành cầu đường bộ. Lúc nhỏ tôi thường đi bộ theo mẹ gánh hàng qua cầu sang phía bên Lái Thiêu bán. Hình ảnh này tôi nhớ mãi. Khi hay tin cây cầu sẽ bị tháo dỡ, tôi không khỏi nuối tiếc” – ông Âu chia sẻ.
Ông Nghĩa Dung (ngụ Bình Dương) cho biết, năm nay ông hơn 50 tuổi, lớn lên đã thấy cây cầu này, trải qua thời gian gắn bó, giờ biết tin cây cầu sắp bị tháo dỡ ông thấy nuối tiếc vì không những nó còn phục vụ được cho việc đi lại của bà con, mà còn lưu giữ những giá trị lịch sử. Theo ông Nghĩa Dung nếu có thể thực hiện giải pháp nâng cao cây cầu thì tốt hơn thay vì dỡ bỏ.











Người dân đi chợ, đi làm, sinh hoạt đều gắn bó cây cầu này.