Buổi giao lưu nhằm triển khai giải pháp đẩy mạnh công tác định hướng nghề nghiệp phù hợp với năng lực, sở thích cho học sinh, từ đó giúp các em có kế hoạch cho việc trang bị kiến thức, rèn luyện kỹ năng phù hợp từ sớm. Đặc biệt là các em học sinh có mong muốn, nguyện vọng được thay đổi môi trường học tập và làm việc tại những quốc gia có nền giáo dục tiên tiến hàng đầu thế giới, nhất là tại Nhật Bản.
Tại buổi giao lưu, rất nhiều các em học sinh đã đặt ra câu hỏi: “Tại sao lại chọn Nhật Bản để du học? Nền giáo dục Nhật Bản có gì khác biệt?”... Với 18 năm kinh nghiệm học tập, làm việc và cống hiến trong lĩnh vực quản lý giáo dục và đào tạo tại Nhật Bản, hiện là Hiệu trưởng Học viện Nhật ngữ GAG (Fukuoka), anh Nguyễn Duy Anh lấy câu chuyện từ bản thân để chia sẻ đến các em học sinh.
Theo anh Nguyễn Duy Anh, bản thân sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống hiếu học. Năm 18 tuổi, anh thi vào một trường đại học tại Việt Nam nhưng không đỗ. Sau đó anh rơi vào khoảng thời gian không biết là mình sẽ phải học ngành gì, nghề gì, học trong nước hay học quốc tế? Vì vậy, anh đã chủ động tìm hiểu thông tin trên mạng, trên báo đài và cuối cùng đi đến quyết định lựa chọn du học Nhật Bản.
Với những thông tin nắm đươc, anh Nguyễn Duy Anh đã quyết tâm du học tại đất nước mặt trời mọc: “Tôi đã theo học ở 3 trường trong 7 năm. Sau khi tốt nghiệp đại học công lập, với tấm bằng cử nhân Kinh tế quốc tế loại giỏi và chứng chỉ năng lực tiếng Nhật N1, tôi đã chủ động tìm kiếm các công việc trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và không ngừng nỗ lực nâng cấp và sáng tạo trong quá trình công tác tại Nhật Bản”.
Còn ông Bùi Quốc Thành - Nguyên Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka - Bộ ngoại giao cho biết, Chính phủ Nhật Bản rất quan tâm đến giáo dục nên có nhiều chính sách hỗ trợ sinh viên biết tiếng Nhật như cho phép đi làm thêm bán thời gian và vay từ Tổ chức học bổng của Chính phủ.
Ngoài ra, Nhật Bản là đất nước có dân số già hóa và tỉ lệ sinh rất thấp, nên Chính phủ Nhật Bản đang có rất nhiều các chính sách để thu hút những nguồn lao động chất lượng cao đến với Nhật Bản. Vì vậ, nhu cầu tuyển dụng những người biết tiếng Nhật, biết ngôn ngữ Nhật và am hiểu văn hóa Nhật Bản thì sẽ rất cần trong thời gian tới.
Ngoài những câu hỏi trực tiếp, các chuyên gia cũng chủ động chia sẻ nhiều bài học tới các bạn trẻ, từ chuyện làm thế nào để tìm kiếm niềm đam mê trong công việc, hòa nhập với môi trường lao động quốc tế, đồng thời giải đáp các trăn trở xác định công việc phù hợp sau khi ra trường.
Theo báo cáo thường niên Open Doors của Viện Giáo dục quốc tế Mỹ vừa được công bố vào tháng 11.2023 cho thấy, năm 2022, Việt Nam có đến 37.405 sinh viên quốc tế đang theo học ở đất nước mặt trời mọc.
Việt Nam là nước có du học sinh đến Nhật đông thứ hai, chỉ sau Trung Quốc (103.882 người). Tiếp theo đó lần lượt là các nước Nepal (24.257 người), Hàn Quốc (13.701 người) và Indonesia (5.763 người).