Phần mềm chatbot XiaoIce giống như một hệ sinh thái AI (trí tuệ nhân tạo) có mặt ở đại đa số điện thoại thông minh mang thương hiệu Trung Quốc cũng như hầu hết các nền tảng mạng xã hội ở nước này. XiaoIce có 150 triệu người dùng chỉ riêng ở Trung Quốc.
Là dạng trợ lý ảo giống Siri, trên siêu ứng dụng WeChat, XiaoIce cho phép người dùng tạo bạn gái hoặc bạn trai ảo và tương tác với họ qua tin nhắn văn bản, tin nhắn thoại và ảnh.
XiaoIce ban đầu là một dự án phụ cho việc phát triển chatbot Cortana của Microsoft sau đó tách riêng. XiaoIce hiện chiếm 60% số lượng tương tác giữa con người và AI trên toàn cầu, theo giám đốc điều hành XiaoIce Li Di. Với kết quả đó, XiaoIce đang trở thành hệ thống lớn nhất và tiên tiến nhất của loại hình này trên toàn thế giới, AFP nhận định.
XiaoIce được thiết kế để thu hút người dùng thông qua các cuộc trò chuyện sống động như thật, các cuộc đối thoại đồng cảm, thỏa mãn nhu cầu cảm xúc mà giao tiếp trong đời thực thường không đáp ứng được. "Độ dài tương tác trung bình giữa người dùng và XiaoIce là 23 lần trao đổi" - ông Li Di cho hay.
Lượng tương tác này, theo giám đốc điều hành XiaoIce, "dài hơn tương tác trung bình giữa con người với nhau" và sự hấp dẫn của AI này là "nó tốt hơn con người ở việc chú ý lắng nghe".
Công ty khởi nghiệp XiaoIce tách ra khỏi Microsoft vào năm ngoái và hiện được định giá hơn 1 tỉ USD sau khi gây quỹ đầu tư mạo hiểm, Bloomberg lưu ý.
Các nhà phát triển cũng đã tạo ra những thần tượng (idol) ảo, người dẫn chương trình ảo và thậm chí cả sinh viên đại học ảo đầu tiên của Trung Quốc từ XiaoIce. Phần mềm này cũng có thể sáng tác các bài thơ, báo cáo tài chính và thậm chí cả tranh vẽ theo yêu cầu.
Theo giám đốc điều hành XiaoIce, giờ cao điểm của người dùng nền tảng là từ 23h đến 1h sáng.