Trẻ em cũng có thể đột quỵ
Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng TPHCM điều trị thành công cho trường hợp bé 3 tuổi (quê An Giang) bị đột quỵ. Trước đó bệnh nhi nhập bệnh viện địa phương trong tình trạng đau đầu, lơ mơ, liệt nửa người.
“Bé đang ở nhà thì đột nhiên lơ mơ rồi dần liệt nửa người, mặc cho ai kêu bé không biết gì hết cả. Ở bệnh viện tỉnh chụp chiếu không phát hiện ra, chỉ nghi ngờ bé bị viêm màng não. Tôi cũng không tin trẻ nhỏ như vậy lại bị đột quỵ” - chị N.T.T. (mẹ bé) nói.
Thế nhưng khi được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, kết quả chụp MRI phát hiện bé bị đột quỵ nhồi máu não do huyết khối. Ngay sau đó các bác sĩ tiến hành can thiệp lấy huyết khối bằng đường động mạch dưới.
Đây không phải là lần đầu tiên Bệnh viện Nhi đồng Thành phố tiếp nhận trẻ đột quỵ. Trước đó, Bệnh viện cũng tiếp nhận cấp cứu cho một bé trai 5 tuổi (ngụ Long An) trong tình trạng méo miệng, co giật đột ngột do nhồi máu não vùng đỉnh trái. Điều may mắn với bé này là được phát hiện, can thiệp kịp thời nên chỉ bị di chứng nhẹ chức năng ngôn ngữ, vận động. Lâu nay, nhiều người vẫn nghĩ đột quỵ chỉ xuất hiện ở người lớn tuổi nhưng thực tế trẻ nhỏ cũng gặp phải căn bệnh cực kỳ nguy hiểm này.
Bác sĩ Huỳnh Hữu Danh (khoa Ngoại Thần Kinh Bệnh viện Nhi đồng Thành phố) - một trong những bác sĩ thường xuyên cứu chữa cho bệnh nhi bị đột quỵ phân tích, đột quỵ ở trẻ nhỏ được chia làm 2 dạng, đột quỵ nhồi máu và đột quỵ xuất huyết. Trong đó, đột quỵ xuất huyết sẽ gặp nhiều hơn là đột quỵ nhồi máu.
Nguyên nhân thường gặp gây ra đột quỵ xuất huyết ở trẻ em là dị dạng động tĩnh mạch não và túi phình mạch máu não. Khi bệnh nhi có túi phình mạch máu não hoặc dị dạng động tĩnh mạch não, thường bé không có bất kỳ biểu hiện gì, đôi khi có thể đau đầu, co giật,... Nhưng khi những tổn thương này vỡ ra, gây xuất huyết não, sẽ ảnh hưởng nguy kịch đến tính mạng bệnh nhi. Chính vì vậy cần nhận biết sớm những trường hợp xuất huyết não.
Bác sĩ Huỳnh Hữu Danh chỉ ra dấu hiệu nhận biết đột quỵ: “Đối với những trẻ lớn, thì dấu hiệu đột quỵ tương tự người lớn. Trẻ có thể méo miệng, nói đớ, liệt nửa người đột ngột. Còn ở trẻ nhỏ, những dấu hiệu này rất khó có thể nhận ra. Có nhiều trường hợp đột quỵ không có biểu hiện rõ ràng mà chỉ đau đầu, nôn ói, lơ mơ, lừ đừ. Những triệu chứng này rất chung chung và có thể nhầm lẫn với các bệnh lý khác”.
Điều trị đột quỵ ở trẻ nhỏ thế nào?
Để điều trị căn bệnh này, bác sĩ Huỳnh Hữu Danh cho biết còn tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Trường hợp đột quỵ nhồi máu do huyết khối thì can thiệp lấy huyết khối, hoặc nếu do vỡ túi phình mạch máu thì phải tắc túi phình, ... Thời gian điều trị tùy mức độ bệnh, ít nhất là 1 tuần nằm viện và có thể kéo dài đến 1-2 tháng nằm viện.
Hiện tại các chuyên gia đều khuyến cáo là khi trẻ có các dấu hiệu trên, cần nhanh chóng đưa trẻ đến khám tại các bệnh viện có chuyên khoa thần kinh. Đối với trẻ em, phòng ngừa đột quỵ hiện đang là một thách thức rất lớn và khó khăn cả trên thế giới.
“Vì ở người lớn, các bệnh nhân đột quỵ có các yếu tố nguy cơ như: hút thuốc lá, xơ vữa động mạch, béo phì,... Còn ở trẻ em, không có các yếu tố nguy cơ này. Các nguyên nhân đa phần là do bẩm sinh, các dị dạng động tĩnh mạch não hay túi phình mạch máu não đều không có biểu hiện rõ ràng khi chưa vỡ. Chính vì vậy rất khó phòng ngừa bệnh lý đột quỵ ở trẻ em. Bệnh đột quỵ rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác vì biểu hiện không rõ ràng. Có thể nhầm lẫn với viêm màng não, vì đôi khi bé có sốt kèm theo. Có thể nhầm lẫn với bệnh động kinh nếu bé có biểu hiện co giật. Thậm chí, có thể nhầm lẫn với các bệnh lý đường tiêu hóa do bé có nôn ói” - bác sĩ Huỳnh Hữu Danh nói.
Thời gian vàng trong bệnh đột quỵ nói chung vẫn khuyến cáo 6 giờ. Tuy nhiên, những nghiên cứu hiện tại trên người lớn thì có thể kéo dài thời gian vàng thêm. Những nghiên cứu về thời gian vàng cho đột quỵ trẻ em thường rất ít do bệnh lý rất hiếm gặp, hiện chưa có nghiên cứu đầy đủ nào để kết luận chính xác. Do vậy, phải xử trí được đột quỵ cho bệnh nhi càng sớm càng tốt.