Theo TS.Bác sĩ Nguyễn Bá Thắng - Trưởng Trung tâm khoa học Thần kinh Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM -ho biết, đột quỵ hiện nay được coi là một bệnh có hậu quả rất nặng nề. Bệnh không chỉ làm người bệnh có thể tử vong mà những người may mắn sống sót cũng có thể bị liệt, tàn phế.
Số liệu thống kê của Bộ Y tế cho thấy, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 200.000 trường hợp bệnh nhân bị đột quỵ mới và tỷ lệ tử vong chiếm từ 18-20%.
Hiện tại, nhóm tuổi dễ bị đột quỵ là những người lớn tuổi (trên 60 tuổi là bị nhiều nhất). Tuy nhiên, nhóm bệnh nhân đột quỵ cũng đang trẻ hóa, nhiều trường hợp đột quỵ ở độ tuổi 30-40 tuổi, thậm chí là 18-20 tuổi vẫn bị đột quỵ.
Nguyên nhân dẫn tới đột quỵ
Theo bác sĩ, có hai nguyên nhân chính dẫn tới đột quỵ: do mạch máu bị vỡ/bể ra, hai là do mạch máu bị tắc nghẽn.
Trong đó, đột quỵ vỡ mạch máu (tức là đột quỵ xuất huyết) chiếm tỉ lệ khoảng 20% tổng số các trường hợp đột quỵ. Nguyên nhân của nó hầu hết là do tăng huyết áp.
Đột quỵ thiếu máu (tức là mạch máu bị tắc nghẽn khiến máu không lên não được) chiếm khoảng 80%.

Có ba nguyên nhân cơ bản nhất gây đột quỵ thiếu máu. Thứ nhất là xơ vữa động mạch, mạch máu bị xơ vữa gây hẹp, tắc làm cho máu không lên não được. Nguyên nhân thứ 2 là tăng huyết áp làm cho các mạch máu bị thoái hóa tắc nghẽn và không nuôi não được. Và nguyên nhân thứ ba do các bệnh lý về tim, một số bệnh tim đặc biệt như bệnh rung nhĩ sẽ tạo ra những cục máu đông trong tim. Những cục máu đó sẽ trôi lên não làm bít mạch máu não gây ra thiếu máu não.
Biện pháp phòng ngừa đột quỵ
Bác sĩ khuyến cáo, muốn phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ đột quỵ, mọi người cần kiểm soát tốt, tránh các tác nhân trên. Đặc biệt, những người có bệnh tim, hay vấn đề về huyết áp, đường huyết cần phải khám kiểm tra định kỳ, đo theo dõi huyết áp, đường huyết thường xuyên.
Thực tế cho thấy, chỉ có khoảng 10% người tăng huyết áp là có triệu chứng (choáng váng, xây xẩm, nhức đầu, khó chịu…).
Bên cạnh đó, mọi người nên khám sức khỏe định kỳ. Với người khỏe mạnh bình thường thì nên khám 1 lần/năm, người lớn tuổi (50-60 tuổi trở lên) thì nên kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng. Nếu phát hiện ra bệnh lý, các yếu tố nguy cơ thì cần điều trị, can thiệp, điều chỉnh kịp thời.