Sản phụ 33 tuổi nhập viện khi thai được 39 tuần 2 ngày, vết mổ đẻ cũ, thai lần 2, thể trạng gầy, da niêm mạc hồng nhạt, có vài nốt bầm tím quanh cẳng chân.
Sản phụ cho biết trong quá trình mang thai từng bị chảy máu chân răng, chảy máu cam nhưng nghĩ không có gì ảnh hưởng nên sản phụ cũng không đi khám hay kiểm tra.
Các bác sĩ đã tiến hành thăm khám, thực hiện siêu âm và các xét nghiệm cận lâm sàng cho sản phụ. Kết quả cho thấy tiểu cầu thấp 66G/L (trong khi chỉ số bình thường là 150-450G/L), thiếu máu 90g/l (chỉ số bình thường là 125-160g/l). Tiên lượng đây là trường hợp nặng, quá trình chuyển dạ hoặc mổ lấy thai có nguy cơ xuất huyết cao, đe dọa tính mạng cho sản phụ và thai nhi.
Sau truyền tiểu cầu đánh giá ngưỡng tiểu cầu đã ổn định, lúc này thai có dấu hiệu suy thai, tim thai chậm. Xét nghiệm số lượng tiểu cầu cho phép phẫu thuật an toàn nên các bác sĩ đã quyết định mổ lấy thai cấp cứu. Ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi, các bác sĩ kiểm soát tốt tình trạng chảy máu trong mổ và điều chỉnh thuốc phù hợp. Bé trai chào đời khỏe mạnh với cân nặng 2.800 gram.
Giảm tiểu cầu trong thai kỳ được chẩn đoán dựa vào số lượng tiểu cầu được định lượng trong công thức máu. Do vậy khi tiến hành khám và kiểm tra thai nghén, không chỉ đơn thuần là siêu âm thai mà còn cần được tiến hành làm một số xét nghiệm khác theo chỉ định của bác sĩ như tổng phân tích tế bào máu ngoại vi, xét nghiệm nước tiểu… Một số dấu hiệu cảnh báo sản phụ bị giảm tiểu cầu như: Chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da…
Trong thai kỳ, sản phụ có thể đối diện rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và thai nhi. Do vậy, các chị em phụ nữ khi mang thai cần được khám tư vấn và kiểm tra định kỳ sản khoa tại các cơ sở y tế uy tín bởi các bác sĩ chuyên khoa sản.