Em trai được cứu sống nhờ chính quả thận của chị gái mình

Ngọc Lê |

Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD TPHCM) cho biết vừa tiến hành ghép thận thành công cho anh V.Q.D. (31 tuổi, ngụ tại Bình Phước). Người hiến thận cho anh D. chính là chị gái ruột.

Với tình thương dành cho em trai chẳng may mắc bệnh hiểm nghèo, cùng sự đồng thuận, ủng hộ của cả gia đình, đặc biệt là người chồng, chị V.T.H., (37 tuổi, ngụ tại Bình Dương) đã không chút ngần ngại hi sinh một phần cơ thể để cứu em trai của mình.

Theo ThS.BS. Huỳnh Ngọc Phương Thảo – Trưởng khoa Nội thận – Thận nhân tạo BV ĐHYD TPHCM, cách đây 2 năm, anh D. được chẩn đoán bị suy thận mạn giai đoạn cuối. Sau đó, anh được điều trị bằng thận nhân tạo chu kỳ tại bệnh viện địa phương.

"Gần đây trong quá trình chạy thận nhân tạo, anh D. thường xuyên bị tăng huyết áp, khó thở, suy tim, ăn uống kém, chân tay sưng phù, cơ thể suy nhược nặng. Anh được chuyển đến BV ĐHYD TPHCM để tiếp tục điều trị. Các bác sĩ chuyên khoa đánh giá, ghép thận là phương pháp hiệu quả nhất để điều trị cho anh D" - BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo cho biết.

Khi biết tin anh D. cần được ghép thận, tất cả các thành viên trong gia đình đều đến bệnh viện để xét nghiệm với hi vọng có thể tìm được quả thận phù hợp cho anh.

Sau khi thực hiện các kiểm tra cần thiết, chỉ chị H. có các chỉ số miễn dịch học, chỉ số sinh hóa phù hợp và đủ sức khỏe để thực hiện phẫu thuật cắt một quả thận. Tình yêu thương dành cho người em cùng sự tin tưởng các y bác sĩ là động lực giúp chị H. không chút do dự khi hiến thận cho em trai mình.

Chị H. được thực hiện phẫu thuật nội soi sau phúc mạc (bên phải) để lấy thận. Sau phẫu thuật 4 ngày, chị được xuất viện, sức khỏe ổn định.

Gần 2 tuần sau ghép, anh D. được Hội đồng Ghép thận BV ĐHYD TPHCM cho xuất viện với tình trạng sức khỏe ổn định, các chỉ số cho thấy chức năng thận đã trở về bình thường. Anh D. được lên kế hoạch điều trị duy trì sau ghép và tái khám định kỳ tại Khoa Nội thận – Thận nhân tạo BV ĐHYD TPHCM.

Anh D. nghẹn ngào chia sẻ trong ngày xuất viện: “Tôi rất xúc động trước tình cảm của các anh chị em trong gia đình và sự tận tụy của các y bác sĩ. Sau khi xuất viện, vợ chồng chị còn đón tôi về Bình Dương để tiện cho việc tái khám. Tôi chẳng biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn tới tất cả mọi người đã luôn bên cạnh chăm sóc, giúp đỡ để tôi được khỏi bệnh".

Ngọc Lê
TIN LIÊN QUAN

Nghiên cứu DAPA-CKD - tin vui cho bệnh nhân suy thận mạn

M.TH |

Kết quả nghiên cứu DAPA-CKD trên bệnh nhân suy thận mạn vừa được công bố tại Hội nghị Tim mạch Châu Âu - ESC 2020 đã thu hút sự quan tâm của giới y học.

Kịp thời cứu bé gái 9 tuổi bị suy thận mạn

Anh Nhàn |

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng thành phố vừa cứu sống ngoạn mục bé gái 9 tuổi khiếm thính, vừa bị động kinh và suy thận giai đoạn cuối.

Lấy sỏi thận cho 3 bệnh nhi qua đường hầm siêu nhỏ chỉ 5 mm

Anh Tú |

Bệnh viện Bình Dân TPHCM cho biết, vừa phẫu thuật lấy sỏi thận qua da bằng đường hầm siêu nhỏ (ultra-mini PCNL - UMP) cho 3 bệnh nhi từ 3-7 tuổi. Đây là kỹ thuật mới giúp loại bỏ sỏi thận ít mất máu, ít tổn thương nhu mô thận, ít đau, hồi phục nhanh sau mổ và hầu như không để lại sẹo.

Nghiên cứu DAPA-CKD - tin vui cho bệnh nhân suy thận mạn

M.TH |

Kết quả nghiên cứu DAPA-CKD trên bệnh nhân suy thận mạn vừa được công bố tại Hội nghị Tim mạch Châu Âu - ESC 2020 đã thu hút sự quan tâm của giới y học.

Kịp thời cứu bé gái 9 tuổi bị suy thận mạn

Anh Nhàn |

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng thành phố vừa cứu sống ngoạn mục bé gái 9 tuổi khiếm thính, vừa bị động kinh và suy thận giai đoạn cuối.

Lấy sỏi thận cho 3 bệnh nhi qua đường hầm siêu nhỏ chỉ 5 mm

Anh Tú |

Bệnh viện Bình Dân TPHCM cho biết, vừa phẫu thuật lấy sỏi thận qua da bằng đường hầm siêu nhỏ (ultra-mini PCNL - UMP) cho 3 bệnh nhi từ 3-7 tuổi. Đây là kỹ thuật mới giúp loại bỏ sỏi thận ít mất máu, ít tổn thương nhu mô thận, ít đau, hồi phục nhanh sau mổ và hầu như không để lại sẹo.