Tiếng thở khò khè không dứt...
Bệnh nhi H.V.N (1 tuổi, ngụ tại TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh), nhập viện trong tình trạng thở khò khè không dứt. Theo gia đình chia sẻ, dù đã nhiều lần uống thuốc và cho con long đàm tại nhà nhưng đều không được. Đến khi bệnh nhi chuyển nặng mới được gia đình đưa đi bệnh viện.
Tại Bệnh viện TP Thủ Đức, bệnh nhi được chẩn đoán viêm phế quản, suy hô hấp… và được điều trị tích cực. BSCKI Nguyễn Vũ Quỳnh Hoa – Phó Trưởng khoa Nhi cho biết, trong tuần qua, cùng với sự xuất hiện của những giọt mưa đầu tiên, số lượt trẻ đến khám vì khò khè, khó thở tăng vọt so với trước đó. Trẻ bị cơn hen cấp, trẻ chưa có tiền căn hen cũng nối đuôi khò khè, ho đàm, sổ mũi. Nhiều bậc phụ huynh mệt mỏi vì chăm con một phần, đuối vì lo lắng con có phải bị hen hay không?.
Khò khè chỉ sự tắc nghẽn của phần đường thở trong lồng ngực. Điều này xảy ra khi có viêm đường thở dưới, hoặc tắc nghẽn do đàm... Khi trẻ khò khè, ta sẽ thấy trẻ khó khăn khi thở ra, và nếu khò khè nặng sẽ nghe tiếng "khè" khi trẻ thở ra, nặng hơn nữa là tiếng rít cả khi trẻ hít vào và thở ra. Bác sĩ Hoa nhấn mạnh, phụ huynh cần phân biệt với tiếng thở lớn ở trẻ nhỏ khi bị viêm mũi họng, là do đàm nhớt ứ đọng ở vùng mũi họng, tạo ra tiếng "rột rột" hoặc "khụt khịt" rất lớn tiếng khi trẻ hít thở mà không hề gây khó thở thực sự (bởi vì trẻ có thể há miệng để thở).
Hen là một bệnh lí viêm đường thở mạn tính, gây ra triệu chứng khò khè khi vào cơn cấp. Số lượt đến khám vì cơn hen cấp sẽ tăng lên vào mùa mưa.
Các triệu chứng của cơn hen có thể bao gồm: ho, khò khè, nặng ngực, khó thở... Để chẩn đoán được bệnh hen cần kết hợp 2 yếu tố quan trọng là triệu chứng gợi ý hen (khò khè tái lại, tiền căn gia đình, tiền căn dị ứng...) và xét nghiệm nhằm xác định sự tắc nghẽn luồng khí thở ra: đo chức năng hô hấp.
Tuy nhiên, trẻ nhỏ khó hợp tác và xét nghiệm không có sẵn ở tất cả cơ sở y tế. Vì vậy ở trẻ < 5 tuổi, có thể chẩn đoán hen khi: Trẻ khò khè tái đi tái lại (> 3 lần ở trẻ < 12 tháng và > 2 lần ở trẻ > 12 tháng) và khò khè được xác nhận bởi bác sĩ; Khò khè đáp ứng với điều trị hen (phun khí dung với salbutamol); Tiền căn hen gia đình hoặc yếu tố khởi phát cơn giống nhau ở các cơn; Khò khè không do các nguyên nhân khác. Và điều này sẽ phải được bác sĩ khám, hỏi bệnh thật kĩ và thực hiện thêm một số xét nghiệm cần thiết.
Nhiều người nghĩ rằng, để trẻ bị ho hoặc sổ mũi lâu mà không điều trị sẽ dẫn tới bị hen điều này sai và phản khoa học. Ngược lại, ở trẻ ho kéo dài hoặc trẻ viêm mũi dị ứng cần được bác sĩ kiểm tra xem nguyên nhân của triệu chứng đó là do hen hay do bệnh lí khác. Nghĩa là: ho kéo dài không dẫn tới hen!!!
Chính hen là một trong những nguyên nhân gây ra ho kéo dài. Hen là một bệnh lí đa yếu tố, là do sự tương tác giữa cơ địa của bệnh nhân (di truyền, dị ứng, rối loạn miễn dịch) với yếu tố môi trường (khói thuốc, ô nhiễm không khí, nhiễm trùng, dị nguyên) và thời gian tương tác giữa các yếu tố này.
Những điều cần làm khi trẻ bị hen
Có thể tiên lượng trẻ bị hen dựa vào chỉ số tiên đoán hen gồm các yếu tố: Chàm da, cha mẹ bị hen, trẻ bị ️dị ứng với dị nguyên hô hấp, dị ứng sữa/trứng, viêm mũi dị ứng và khò khè không liên quan cảm lạnh.
Đặc điểm khi trẻ lên cơn: thở mệt, khó thở hoặc ho nhiều liên tục, nặng ngực, thở nhanh. Nếu trẻ đã được chẩn đoán hen trước đó, có các triệu chứng nghi ngờ trẻ vào cơn hen cấp, phụ huynh cần cho trẻ thở khí dung hoặc hít thuốc qua bình xịt, sau đó cho trẻ đến khám bác sĩ, không lạm dụng thuốc để phun khí dung khi nghĩ trẻ khò khè, hoặc khi trẻ ho nhiều chưa rõ nguyên nhân.
“Chúng ta cần xác định và tránh các tác nhân gây cơn hen cấp. Phụ huynh cần ghi lại nhật kí hen suyễn (số lần lên cơn, thời gian lên cơn, ảnh hưởng đến sinh hoạt của trẻ như thế nào), từ đó có cơ sở dữ liệu để trao đổi với bác sĩ, để bác sĩ đề ra kế hoạch hành động hợp lý nhất. Hiểu cách thức và thời điểm sử dụng thuốc điều trị bệnh hen suyễn. Đảm bảo kĩ thuật sử dụng đúng. Không tự ý ngưng các thuốc dự phòng khi thấy diễn tiến trẻ tốt lên. Không uống thuốc nam, thuốc bắc để điều trị hen”, bác sĩ Hoa chia sẻ.