Nên theo dõi cẩn thận các vết tiêm sau khi tiêm vaccine ngừa bệnh lao

Nguyễn Ly |

Bé trai 7 tháng tuổi được gia đình đưa đi tiêm ngừa bệnh lao, sau khoảng 5 tháng, vết tiêm không liền mà còn nổi hạch gây đau và khó chịu cho bé trai.

Theo các bác sĩ, với một số người, nếu không lưu ý và xử trí kịp thời các vấn đề xảy ra tại vết tiêm, sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ và, kéo dài thời gian điều trị.

Không nên chủ quan với vết tiêm ở trẻ 

Bé Ngô Văn H (7 tháng tuổi, Q.Tân Bình TPHCM) được mẹ đưa đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM thăm khám trong tình trạng nổi hạch ở vùng nách trái sau khi tiêm ngừa lao từ lúc 2 tháng tuổi, có dấu hiệu xì mủ.

Khối hạch lớn với kích thước 2×3,5 cm ăn sâu vào hốc nách bé trai.

BS.CKII Nguyễn Đỗ Trọng - Ngoại Nhi – Ngoại Tim Mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, bệnh nhi có khối u hạch khá lớn, kích thước 2×3,5 cm vùng nách trái, không gây đau hay sốt.

Đối với những dạng hạch lành tính này, có hai cách điều trị: chọc hút mủ hoặc cắt bỏ. Trường hợp rạch mủ có thể làm xẹp khối hạch nhưng không triệt tiêu tận gốc ổ hạch. Do đó, các bác sĩ quyết định phẫu thuật cắt hạch cho bé.

“Khi phẫu thuật, chúng tôi thấy chùm hạch ăn sâu vào hốc nách. Vì thế, êkip phải thật cẩn trọng trong từng thao tác để bóc tách trọn khối hạch mà không gây tổn thương sang vùng lân cận”, bác sĩ Trọng nói. 

Sau thủ thuật vài giờ, vết mổ khô, lành nhanh và khả năng tái phát rất thấp. Bệnh nhi trở lại sinh hoạt bình thường và được xuất viện ngay trong ngày.

Những dấu hiệu để kịp thời xử lý 

Bác sĩ Trọng thông tin, thời gian qua Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tiếp nhận khá nhiều trẻ đến khám vì nổi hạch sau tiêm vaccine phòng bệnh lao (BCG). Sau tiêm, hạch vùng thường tăng kích thước nhẹ.

Khi hạch bạch huyết dẫn lưu tại vùng tiêm vaccine gần đó (như nách, thượng đòn, sau vai…) lớn lên đủ để nhìn thấy (hơn 1cm) thường khiến cha mẹ lo lắng.

Bệnh được chẩn đoán khi không kèm theo các triệu chứng toàn thân như sốt, ăn kém, suy dinh dưỡng cũng như không có hạch ở vùng khác nơi tiêm BCG, không có gan hay lách to, không có triệu chứng hô hấp và tiền căn suy giảm miễn dịch trong gia đình. Đây không phải là hạch lao trong bệnh lao hạch. Vì thế, quá trình điều trị sẽ không cần dùng thuốc chống lao.

Hạch viêm sau tiêm vaccine BCG biểu hiện dưới 2 dạng: mưng mủ hoặc không mưng mủ. Nếu hạch không mưng mủ, không dính vào da và không làm đổi màu da trên hạch, đa số sẽ thoái triển sau vài tuần mà không để lại di chứng nào. 

Trong vài trường hợp, viêm hạch mưng mủ lớn nhanh, tụ mủ bên trong và biểu hiện bằng dấu phập phồng khi thăm khám, đỏ và sưng nề vùng da trên hạch.

Nếu không điều trị, hạch mưng mủ có xu hướng tự vỡ mủ, tạo đường rò để lại sẹo xấu, sẹo lồi với tiến trình lành vết thương kéo dài nhiều tháng.

Tuy nhiên, bố mẹ không nên quá lo lắng vì đây không phải lao hạch mà chỉ là phản ứng của cơ thể sau khi tiếp nhận vaccine bệnh lao.

Nguyên nhân là sau khi tiêm trong da, vaccine bắt đầu được vận chuyển đến các mạch bạch huyết vùng gần đó (như nách, thượng đòn, sau vai…) và bắt đầu phát huy tác dụng, làm hạch bạch huyết lớn lên, khiến trẻ nổi hạch ở những vùng này sau khi tiêm vaccine từ 2-4 tuần. Đặc biệt, trẻ chỉ nổi hạch cùng bên với bên được tiêm ngừa, đa số là bên trái.

Tùy từng bé, hạch này sẽ có kích thước nhỏ hoặc to, chiếm hết vùng nách hoặc vùng thượng đòn. Với những hạch thể không mưng mủ, không cần can thiệp ngoại khoa mà chỉ theo dõi, hạch có thể teo dần khi trẻ lớn lên.

Trường hợp hạch ở thể tụ mủ nhưng kích thước nhỏ, hạch sẽ tự vỡ ra. Khi đó, trẻ cần được chăm sóc vùng hạch cẩn thận, giữ vệ sinh sạch sẽ để tránh nhiễm trùng, và vết thương sẽ lành sau 2-3 tuần.

Đối với những hạch có kích thước lớn hơn 2 cm hoặc tạo thành chùm hạch (nhiều hơn 2 hạch), bác sĩ phải can thiệp phẫu thuật cắt trọn hạch vì hạch không thể tự tiêu và có thể diễn tiến gây sưng đỏ, vỡ.

Lúc này, bác sĩ sẽ có chỉ định chọc mủ hoặc phẫu thuật để lấy trọn khối hạch viêm. Sau khi loại bỏ hạch, trẻ cần được chăm sóc vết thương đúng cách, uống thuốc phòng tránh nhiễm trùng. Bên cạnh đó, bố mẹ phải theo dõi trẻ sát sao để phát hiện sớm bất thường nếu có.

Bác sĩ Trọng khuyến cáo, nếu thấy trẻ nổi hạch quanh vùng tiêm ngừa lao, nhất là với những hạch có kích thước to và mưng mủ, bố mẹ không nên tự điều trị tại nhà hoặc đắp lá hay đắp thuốc mà đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa Ngoại – Nhi để được thăm khám và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.

Nguyễn Ly
TIN LIÊN QUAN

Không khám phụ khoa định kỳ, người phụ nữ phát hiện có khối u xơ lớn

Hà Lê |

Để tầm soát các bệnh lý phụ khoa, chị em phụ nữ được khuyên nên khám phụ khoa định kỳ 6 tháng - 1 năm/lần dù có triệu chứng hay không có triệu chứng.

Lần đầu ra mắt trò chơi tương tác nâng cao ý thức phòng chống bệnh lao

Ngoan Nguyễn |

Hướng đến mục tiêu năm 2030 chấm dứt bệnh lao của Liên hợp quốc, Johnson & Johnson và Chương trình Chống lao Quốc gia tại 4 nước: Việt Nam, Indonesia, Philippines, Thái Lan, thực hiện giai đoạn hai của chiến dịch “Thế Hệ Trẻ - Những Chiến Binh Chống Lao" nhằm trao quyền cho thế hệ trẻ trong công cuộc chấm dứt bệnh lao. 

Nghĩ mỡ bụng, đi khám phát hiện 4 khối u xơ lớn

Thanh Thanh |

Đồng Nai - Bệnh nhân vào cấp cứu tại bệnh viện vì đau nhiều vùng hạ vị. Kết quả siêu âm cho thấy tử cung lớn bất thường do có 4 khối u xơ lớn. Vì thể trạng thừa cân nên trước khi nhập viện, nữ bệnh nhân nghĩ bụng to là do nhiều mỡ. 

Không khám phụ khoa định kỳ, người phụ nữ phát hiện có khối u xơ lớn

Hà Lê |

Để tầm soát các bệnh lý phụ khoa, chị em phụ nữ được khuyên nên khám phụ khoa định kỳ 6 tháng - 1 năm/lần dù có triệu chứng hay không có triệu chứng.

Lần đầu ra mắt trò chơi tương tác nâng cao ý thức phòng chống bệnh lao

Ngoan Nguyễn |

Hướng đến mục tiêu năm 2030 chấm dứt bệnh lao của Liên hợp quốc, Johnson & Johnson và Chương trình Chống lao Quốc gia tại 4 nước: Việt Nam, Indonesia, Philippines, Thái Lan, thực hiện giai đoạn hai của chiến dịch “Thế Hệ Trẻ - Những Chiến Binh Chống Lao" nhằm trao quyền cho thế hệ trẻ trong công cuộc chấm dứt bệnh lao. 

Nghĩ mỡ bụng, đi khám phát hiện 4 khối u xơ lớn

Thanh Thanh |

Đồng Nai - Bệnh nhân vào cấp cứu tại bệnh viện vì đau nhiều vùng hạ vị. Kết quả siêu âm cho thấy tử cung lớn bất thường do có 4 khối u xơ lớn. Vì thể trạng thừa cân nên trước khi nhập viện, nữ bệnh nhân nghĩ bụng to là do nhiều mỡ.