Tập 5 chương trình Vui khỏe đẹp mỗi ngày vừa lên sóng giúp khán giả có thêm kiến thức về điều trị triệu chứng ho và đau họng cho bệnh nhân COVID-19 tại nhà với sự tư vấn của chuyên gia là bác sĩ Nguyễn Thị Thu Ba, Nguyên Trưởng Bộ môn Lao và Bệnh phổi, trường Đại học Y Dược, TPHCM.
Trong tình huống tuần này, 3 nhân vật tỏ ra lo lắng vì sợ sẽ mắc SARs-CoV-2 nên cùng bàn bạc trước về cách điều trị tại nhà. Hai người chị cho rằng với các triệu chứng như sốt, ho và đau họng thì chỉ cần uống thuốc hạ sốt kết hợp với kháng sinh và xông hơi tại nhà sẽ hết bệnh.
Phản đối ý kiến của hai người chị, cô em cho rằng không được uống thuốc tùy tiện, lạm dụng kháng sinh có thể bị suy thận hoặc bệnh lý khác. Do bất đồng quan điểm nên cả ba cần đến sự tư vấn của chuyên gia để có thể điều trị COVID-19 tại nhà.
Là chuyên gia xuất hiện trong tuần này, Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Ba cho biết: “Cảm cúm thông thường có thể đau họng, ho, sổ mũi, tuy nhiên nếu đau họng do COVID-19 thường có thêm các triệu chứng như khó thở, hụt hơi, thay đổi mùi vị và đặc biệt là dương tính khi test nhanh và PCR”.
Các triệu chứng ho hay đau họng khi mắc COVID-19 là do virus nên việc uống thuốc tùy ý hoặc tự dùng kháng sinh không thực sự có hiệu quả điều trị. Ngoài ra, việc xông hơi là biện pháp dân gian tốt, sát khuẩn đường hô hấp giúp thông thoáng đường thở nhưng không có tác dụng trị bệnh, ngược lại còn mang đến những tác hại như làm mất điện giải, mệt mỏi, đau nhức cơ thể càng nặng hơn.
“Tổ chức Y tế Thế giới khuyên không nên sử dụng kháng sinh trong giai đoạn đầu nhiễm COVID-19. Lúc đầu ho và đau họng do virus chỉ nên ngăn chặn triệu chứng đó bằng thuốc chữa triệu chứng. Việc uống kháng sinh khi chắc chắn bội nhiễm vi khuẩn thường, khi bội nhiễm làm đàm đổi màu xanh hoặc vàng thì mới dùng kháng sinh theo hướng dẫn của bác sĩ”, chuyên gia nói thêm.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Ba, khi điều trị F0 tại nhà nên điều trị từ triệu chứng bệnh, có thể sử dụng một số thuốc ngậm, sirô hoặc kẹo ho: “Sử dụng những loại kẹo ngậm có chứa hoạt chất ambroxol giúp long đờm, giúp bệnh nhân cảm thấy dễ chịu ngay tại chỗ. Hoặc viên ngậm có chứa Flurbiprofen thuộc nhóm kháng viêm non-steroid giúp kháng viêm, giảm sưng, giảm đau rát họng, làm tăng tiết nước bọt, giúp giảm tình trạng khô họng nhanh sau 2 phút và hiệu quả kéo dài lâu, có thể đến 4 giờ”.
Ngoài ra có thể lưu ý một số phương pháp giảm ho như: gối đầu cao khi nằm, uống nước nhiều, dùng tắc chưng đường phèn, súc miệng bằng nước muối để làm sạch khu vực hầu họng. F0 nên tránh tiếp xúc với môi trường có khói thuốc lá, mùi nước tẩy rửa, mùi xăng, mùi sơn dễ gây ho. Đặc biệt, cần thường xuyên tập thở bụng để tránh bị di chứng hậu COVID-19.
Về chế độ ăn uống, chuyên gia khuyên nên uống nhiều nước ấm, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, dùng nhiều loại trái cây tươi như cam, chanh... để bổ sung năng lượng, vitamin C Và nên chia ra nhiều bữa ăn nhỏ để bảo vệ bao tử. Tránh ăn thức ăn chua cay, chiên xào, dầu mỡ hay hải sản.