Sốt xuất huyết vào mùa, phụ huynh cần lưu ý để tránh chuyển nặng

Nguyễn Ly |

Các tỉnh phía Nam vẫn đang giai đoạn dịch sốt xuất huyết hoành hành. Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC), thành phố ghi nhận từ đầu năm đến nay có 29 ca tử vong vì sốt xuất huyết. Khi mắc bệnh, trẻ em và người lớn tuổi dễ chuyển nặng nhất. Chính vì vậy, việc phát hiện sớm và đưa đi bệnh viện kịp thời là vô cùng quan trọng.

Nhiều trẻ em nhập viện vì sốt xuất huyết 

Đến hẹn lại lên, hằng năm vào khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 11, Khoa Sốt xuất huyết - huyết học, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM lại chật cứng bệnh nhân vì mắc sốt xuất huyết. Thời tiết càng mưa nhiều thì môi trường càng thuận lợi cho muỗi phát triển, đồng nghĩa với việc số ca mắc sốt xuất huyết tăng và tỉ lệ chuyển nặng cũng tăng theo. 

Nằm trong phòng bệnh với dây truyền dịch liên tục, bé V.M.K (6 tuổi, TPHCM) vừa được gia đình đưa đi nhập viện sau nhiều ngày sốt không hạ. Theo anh V.M.Tân - bố bệnh nhi, bé sốt liên tục 38-39 độ C và uống thuốc hạ sốt nhưng không hạ. Khi gia đình đưa bé đi nhập viện xét nghiệm mới được bác sĩ cho biết mắc sốt xuất huyết. Sau 3 ngày truyền dịch liên tục, bé đã dần hồi phục, ăn được hơn. 

Không chỉ có bệnh nhi M.K, mà hiện nay tại Khoa Sốt xuất huyết - huyết học trung bình mỗi ngày điều trị cho hàng trăm bệnh nhi. Biểu hiện ban đầu sốt, chán ăn, mệt mỏi, nôn ói, nhức đầu… nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng suy đa tạng, sốc phản vệ nặng. 

Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đang được điều trị. Ảnh: Anh Tú
Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đang được điều trị. Ảnh: Anh Tú

Tiến sĩ Nguyễn Minh Tuấn - Phó Trưởng khoa Sốt xuất huyết - huyết học, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM - cho hay, những ngày qua, tất cả trường hợp nhập viện đều có những dấu hiệu cảnh báo như: Đau bụng, buồn nôn, nôn ói, lừ đừ, mệt mỏi, cô đặc máu, mất nước… Nếu những trường hợp này diễn tiến nặng hơn thì cần phải được nhanh chóng truyền dịch, tránh sốc nặng. 

Lý giải về việc sốt xuất huyết năm nay tăng nhanh, tiến sĩ Minh Tuấn cho rằng, năm 2019 xuất hiện một đợt dịch sốt xuất huyết tăng. Năm nay (2022) lặp lại chu kỳ 3 năm sẽ có một đợt dịch sốt xuất huyết. Song song với số ca nặng, năm nay nổi trội là sốt xuất huyết dengue 2 thay vì dengue 1 như mọi năm. Chúng ta đều biết, dịch sốt xuất huyết có 4 tuýp (dengue từ 1-4), thay phiên nhau tuỳ mỗi năm dịch. Tuýp sốt xuất huyết càng cao thì mức độ nặng càng lớn. 

Cần hiểu cơ chế bệnh để điều trị phù hợp

Bệnh sốt xuất huyết là bệnh “đến hẹn lại lên”, điều này cũng khiến cho nhiều người có tâm lý chủ quan khi mắc bệnh. Chính vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo cần phải hiểu về cơ chế bệnh của sốt xuất huyết để có những phương án điều trị phù hợp. 

Thời kỳ ủ bệnh của sốt xuất huyết là từ 3-6 ngày, một số trường hợp có thể kéo dài 15 ngày. Triệu chứng thường xuất hiện đột ngột với sốt cao, người mệt mỏi rũ rượi, nhức đầu, đau sau hốc mắt, đau cơ (đau thắt lưng và đôi khi đau chân), thường kèm theo đau họng, buồn nôn, nôn mửa, đau vùng thượng vị và tiêu chảy.

Ở trẻ em, đau họng và đau bụng thường là những triệu chứng nổi trội. Hạ sốt xuất hiện vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 8 thường kèm biểu hiện xuất huyết nhẹ (chấm xuất huyết dưới da, nốt xuất huyết và chảy máu mũi). Sau khi hạ sốt thường xuất hiện ban dạng dát sẩn đa hình thái, đôi khi gây ngứa, đầu tiên ở thân mình và lan rộng theo hướng ly tâm đến các chi, mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân. Một số trường hợp, bệnh có thể tiến triển đến xuất huyết tiêu hóa và sốc. Như vậy, biểu hiện xuất huyết không chỉ sốt xuất huyết dengue mới có. 

Giai đoạn sớm của bệnh không thể phân biệt được với sốt dengue. Tuy nhiên, thường sau từ 2 đến 5 ngày, tức là vào giai đoạn hạ sốt, một số trường hợp nhiễm trùng đầu tiên và đa số các nhiễm trùng thứ phát sau khi đã nhiễm một loại huyết thanh khác có biểu hiện hạ tiểu cầu (<100.000/mm³) và cô đặc máu. Thường thì giảm tiểu cầu xảy ra trước cô đặc máu.

Biểu hiện xuất huyết có thể xảy ra hoặc không. Các biểu hiện xuất huyết thường gặp trong sốt xuất huyết dengue gồm xuất huyết dưới da tự phát hoặc sau tiêm chích, chảy máu chân răng, chảy máu mũi và xuất huyết tiêu hóa. Lá lách thường không lớn. Nếu gan lớn và đau thì đây là những dấu hiệu bệnh nặng. Các biểu hiện khác có thể gồm tràn dịch màng phổi, giảm protein máu, bệnh lý não với dịch não tủy bình thường.

Tính thấm mao mạch gia tăng, với hậu quả thoát huyết tương ra ngoài khoang dịch kẽ với lượng lớn, là nguyên nhân của tình trạng cô đặc máu. Khi bệnh nhân có đồng thời hai dấu hiệu giảm tiểu cầu và cô đặc máu thì được chẩn đoán là sốt xuất huyết dengue và được phân loại theo WHO. Độ I: Giảm tiểu cầu kèm cô đặc máu nhưng không có chảy máu tự phát. Độ II: Giảm tiểu cầu và cô đặc máu kèm theo chảy máu tự phát. Độ III: Giảm tiểu cầu và cô đặc máu, huyết động không ổn định: Mạch lăn tăn, huyết áp kẹp, tay chân lạnh, tinh thần lú lẫn. Độ IV: Giảm tiểu cầu và cô đặc máu, sốc biểu hiện rõ: Bệnh nhân không có mạch ngoại biên, huyết áp = 0 mm Hg.

Nếu được điều trị thoát sốc thì bệnh nhân lành bệnh nhanh chóng và rất hiếm có di chứng.

Nguyễn Ly
TIN LIÊN QUAN

Cách phân biệt sốt xuất huyết và sốt siêu vi để điều trị hiệu quả

An Nhiên |

Sốt xuất huyết và sốt siêu vi là căn bệnh tự khỏi và có triệu chứng gần giống nhau, nếu chủ quan mà điều trị sai bệnh có thể làm cho bệnh thêm trầm trọng hơn.

Nhịp sống 24h: Ca sốt xuất huyết tăng, Bộ Y tế yêu cầu phân tuyến điều trị

Thanh Ngọc (T/H) |

Nhịp sống 24h: Hàng trăm người dân TPHCM đi tiêm vaccine COVID-19 mũi 4; Mức giảm mạnh của giá xăng dầu kéo dài đến khi nào?; Ca sốt xuất huyết tăng, Bộ Y tế yêu cầu phân tuyến điều trị

Nhịp sống 24h: Ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội tiếp tục tăng

Thanh Ngọc (T/H) |

Nhịp sống 24h: Ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội tiếp tục tăng; Ùn tắc giao thông khiến TPHCM thiệt hại 6 tỉ USD/năm; TPHCM tiêm vaccine ngừa COVID-19 cả cuối tuần, kéo dài đợt cao điểm 

Cứu sống trẻ nhũ nhi sốc sốt xuất huyết nặng

Thanh Thanh |

TPHCM - Tại khoa cấp cứu, trẻ co giật toàn thân, tím tái, sốc chi mát, khó đo huyết áp. Trẻ được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết nặng, tổn thương gan nặng, được điều trị tích cực thở máy, chống sốc, điều chỉnh rối loạn đông máu, hỗ trợ gan.

Cách phân biệt sốt xuất huyết và sốt siêu vi để điều trị hiệu quả

An Nhiên |

Sốt xuất huyết và sốt siêu vi là căn bệnh tự khỏi và có triệu chứng gần giống nhau, nếu chủ quan mà điều trị sai bệnh có thể làm cho bệnh thêm trầm trọng hơn.

Nhịp sống 24h: Ca sốt xuất huyết tăng, Bộ Y tế yêu cầu phân tuyến điều trị

Thanh Ngọc (T/H) |

Nhịp sống 24h: Hàng trăm người dân TPHCM đi tiêm vaccine COVID-19 mũi 4; Mức giảm mạnh của giá xăng dầu kéo dài đến khi nào?; Ca sốt xuất huyết tăng, Bộ Y tế yêu cầu phân tuyến điều trị

Nhịp sống 24h: Ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội tiếp tục tăng

Thanh Ngọc (T/H) |

Nhịp sống 24h: Ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội tiếp tục tăng; Ùn tắc giao thông khiến TPHCM thiệt hại 6 tỉ USD/năm; TPHCM tiêm vaccine ngừa COVID-19 cả cuối tuần, kéo dài đợt cao điểm 

Cứu sống trẻ nhũ nhi sốc sốt xuất huyết nặng

Thanh Thanh |

TPHCM - Tại khoa cấp cứu, trẻ co giật toàn thân, tím tái, sốc chi mát, khó đo huyết áp. Trẻ được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết nặng, tổn thương gan nặng, được điều trị tích cực thở máy, chống sốc, điều chỉnh rối loạn đông máu, hỗ trợ gan.