Những người dễ mắc trầm cảm
Trầm cảm là một triệu chứng rối loạn tâm trạng, gây ra cảm giác buồn chán và mất hứng thú kéo dài dai dẳng. Chứng trầm cảm sẽ ảnh hưởng đến cách cảm nhận, suy nghĩ, hành vi, ứng xử và có thể dẫn đến những vấn đề đa dạng về tinh thần và thể chất.
Rối loạn trầm cảm có thể đến với mọi người, tuy nhiên độ tuổi phổ biến vào khoảng 18-45 tuổi. Ngoài ra, độ tuổi trung niên và tuổi già cũng dễ gặp rối loạn này. Đây là nhóm sẽ đối diện với nhiều yêu cầu từ xã hội, và các thay đổi trong cuộc sống (tìm việc làm, kết hôn, sinh con vào độ tuổi vị thành niên, về hưu…).
Nguyên nhân gây bệnh trầm cảm
Người có tiền sử mắc bệnh não như viêm não, u não, chấn thương sọ não,... sẽ dễ mắc bệnh trầm cảm do tổn thương cấu trúc não. Những người sử dụng chất kích thích dễ trầm cảm như hút thuốc lá, rượu bia, sử dụng chất kích thích tổn hại thần kinh như ma túy, ma túy đá..
Trầm cảm do căng thẳng kéo dài như công việc áp lực kéo dài, áp lực gia đình, xung đột, môi trường sống căng thẳng… Trầm cảm nội sinh do rối loạn hoạt động của các chất dẫn truyền thần kinh có trong não bộ như Noradrenaline, Serotonin…
Dấu hiệu mắc bệnh trầm cảm
Để chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm phải có ít nhất một trong hai triệu chứng của bệnh trầm cảm cốt lõi đó là: khí sắc trầm/hoặc mất hứng thú, cộng với ít nhất 4 trong các dấu hiệu trầm cảm và kéo dài trong vòng 2 tuần, hầu như mỗi ngày.
Dấu hiệu trầm cảm ở người lớn bao gồm: Giảm hoặc lên cân, giảm hoặc tăng cảm giác ngon miệng. Mất ngủ hoặc ngủ triền miên. Kích động hoặc trở nên chậm chạp. Mệt mỏi hoặc mất sức. Cảm giác vô dụng, vô giá trị hoặc mặc cảm tội lỗi. Giảm khả năng tập trung, do dự. Hay nghĩ đến cái chết, có ý tưởng hoặc hành vi tự sát.
Các triệu chứng trầm cảm ở trẻ em và thanh thiếu niên: Tự đánh giá thấp bản thân. Có những hành vi gây hấn, kích động. Rối loạn giấc ngủ. Có các khó chịu, than phiền về cơ thể. Mất năng lượng. Chán học hoặc học tập sa sút. Hay một số trẻ trở nên ngoan quá mức, tách biệt, lãnh đạm.