Bệnh nhân nữ N.T.T, 32 tuổi xuất hiện triệu chứng ho kéo dài, thỉnh thoảng ho ra đờm, đi lại hụt hơi trước phẫu thuật khoảng 3 tháng. Bệnh nhân đi khám và được chẩn đoán u phổi trái.
Bệnh nhân T nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, khó thở nhẹ, sốt 38 độ, ho khạc đờm đục. Bệnh nhân được sinh thiết xuyên thành ngực dưới hướng dẫn của CT scan cho kết quả tổn thương viêm mạn tính, hình ảnh khối thùy trên phổi trái 83x98mm, có đậm độ tổn thương hỗn hợp đậm độ vôi xơ và tổ chức dính sát màng phổi trung thất và màng tim. Hạch nhỏ hình thoi nhóm V và VI trong trung thất. Bệnh nhân được soi phế quản cho thấy hẹp khẩu kính phế quản thùy trên trái (S6 trái), tổ chức hoại tử bít tắc chít hẹp S8, S9, S10 bên trái.
Bệnh nhân được điều trị theo hướng viêm phổi, tuy nhiên các triệu chứng hầu như không cải thiện, bệnh nhân vẫn ho nhiều, ho đờm, sốt. Sau đó, bệnh nhân được điều trị tích cực trước mổ, dùng kháng sinh, nuôi dưỡng đạm mỡ, giảm ho, khí dung, tập lý liệu hô hấp.
Đại tá TS Ngô Vi Hải – Chủ nhiệm khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - cho biết: “Chúng tôi tiến hành phẫu thuật cắt lá phổi trái cho bệnh nhân. Đây là phẫu thuật lớn, có nhiều rủi ro. Chúng tôi phải chuẩn bị đầy đủ để chức năng phổi phải còn lại đảm bảo hô hấp, bù trừ khi cắt phổi trái. Khi còn một lá phổi sẽ làm thay đổi áp lực trong khoang lồng ngực, sẽ đẩy toàn bộ trung thất từ bên phải sang bên trái, tạo nguy cơ xoắn vặn trung thất".
Sau mổ, bệnh nhân được theo dõi sát, chăm sóc, kháng sinh, sinh dưỡng tích cực, đã cải thiện tình trạng ho, không sốt, sức khỏe ổn định, sinh hoạt nhẹ nhàng.
Phẫu thuật cắt bỏ khối tổn thương với kích thước lớn 10cm trong khoang ngực tái giúp bệnh nhân không còn tình trạng ho kéo dài, viêm phổi, cải thiện chất lượng sống. Nếu không phẫu thuật, bệnh nhân có nguy cơ viêm phổi do khối u chèn ép phế quản, dẫn tới suy kiệt, nhiễm khuẩn huyết, thậm chí tử vong.