Tham dự Triển lãm và Hội nghị Tech4life 2024 khai mạc sáng 12.9, bà Võ Thị Trung Trinh - Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM nhắc lại trong đề án chuyển đổi số đến năm 2030, TPHCM đặt ra mục tiêu rất rõ ràng ở cả 3 trụ cột vào năm 2025. Về chính quyền số, tỉ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến trên tổng hồ sơ đạt 50% trở lên; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng…
Kinh tế số chiếm 25% GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn), năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%.
Về xã hội số, tỉ lệ người dân và doanh nghiệp có tài khoản thanh toán điện tử trên 60%; hạ tầng băng thông rộng phủ đến 95% hộ gia đình…
Song song với đó, TPHCM cũng chọn tăng trưởng xanh là chiến lược phát triển cho tương lai, mang đến sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội.
Để thực hiện điều này, TPHCM xác định chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là lựa chọn chiến lược.
Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu chi phí và tăng cường khả năng cạnh tranh, thông qua tự động hóa, phân tích dữ liệu... Doanh nghiệp muốn tồn tại trong giai đoạn này cần thực hiện chuyển đổi số.
Trong khi đó, chuyển đổi xanh tập trung vào việc giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, bằng cách sử dụng năng lượng tái tạo, áp dụng công nghệ sạch, sử dụng những sản phẩm thân thiện với môi trường.
“Do đó, sự kết hợp giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh sẽ tạo ra mô hình kinh tế bền vững, đảm bảo tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống. Chuyển đổi số giúp chuyển đổi xanh nhanh hơn, bền vững hơn, còn chuyển đổi xanh giúp chuyển đổi số bền vững hơn”, bà Võ Thị Trung Trinh cho biết.
Đối với chiến lược chung của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung, chuyển đổi số cũng cần song hành với chuyển đổi xanh. “Với mục tiêu kinh tế số chiếm 40% GRDP của TPHCM vào năm 2030, chuyển đổi số cần kết hợp với chuyển đổi xanh”, bà Trinh nhấn mạnh.
Theo ước tính của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỉ trọng kinh tế số của TPHCM trong GRDP năm 2024 là 22%. Với những bước tiến đó, TPHCM tự tin sẽ hoàn thành mục tiêu kinh tế số chiếm 25% GRDP vào năm 2025.
Về giải pháp, TPHCM tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển hạ tầng số, xanh hóa các trung tâm dữ liệu để bảo vệ môi trường; sử dụng, khai thác hiệu quả nguồn dữ liệu số như một nguồn tài nguyên mới; đảm bảo an ninh, an toàn thông tin.
Đối với các doanh nghiệp, chính quyền TPHCM kỳ vọng họ sẽ thúc đẩy sự đổi mới để tối ưu hóa sử dụng tài nguyên, trong quá trình sản xuất tuần hòan, giảm thiểu tác động môi trường; thực hiện quy trình quản lý và sản xuất theo tiêu chuẩn phát triển bền vững với trọng tâm ESG (Environment - môi trường, Social - xã hội và Governance - quản trị doanh nghiệp)…
Triển lãm và Hội nghị Tech4life 2024 với chủ đề “Công nghệ nâng tầm cuộc sống”, do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) và Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM phối hợp tổ chức, diễn ra từ ngày 12 đến 13.9.
Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia 10.10 và đồng hành cùng với TPHCM thúc đẩy các chương trình kết nối chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Sự kiện có trên 100 gian hàng, hơn 80 diễn giả, 3.000 lượt khách tham dự. Ngoài phiên toàn thể chính, Tech4life 2024 cũng tập trung thảo luận về số hoá sản xuất, vận hành thông minh dựa trên AIoT thế hệ 4.0; cách ứng dụng AI trong thực tiễn để phát triển kênh mạng xã hội, thương hiệu cá nhân, giải trí, học tập…