Hội thảo trao đổi, thảo luận chủ yếu xung quanh 6 chủ đề: Hệ thống quan trắc và cảnh báo chất lượng không khí; Công nghệ và giải pháp quan trắc điều khiển giao thông đô thị thông minh đã triển khai tại một số thành phố Việt Nam; Giải pháp IoT cho thành phố thông minh; Ứng dụng công nghệ Blockchain trong đô thị thông minh; Truy xuất thông tin từ dữ liệu hình ảnh y sinh và ứng dụng DoepLearning trong việc phát hiện và nhận dạng đối tượng qua camera giám sát.
GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng (Viện trưởng Viện KH&CN tính toán, Phó Giám đốc Sở KH&CN TPHCM) cho biết: Đây là một hội nghị học thuật thường niên mà Viện Khoa học và Công nghệ tính toán tổ chức dưới sự chỉ đạo trực tiếp từ Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM. Nhằm tiếp nối thành công của Hội thảo Smart City 360º lần I với chủ đề “Giải pháp tổng thể cho đô thị thông minh” được tổ chức năm 2017, hội thảo lần này sẽ đi sâu hơn về các chủ đề phục vụ trực tiếp cho thành phố thông minh. TPHCM đang cố gắng phấn đấu cho đến năm 2020 sẽ trở thành Trung tâm Khoa học Công nghệ - Giáo dục - Tài chính ngang tầm khu vực. Để đạt được điều đấy, UBND TPHCM cần chỉ đạo rốt ráo các sở ngành hỗ trợ xây dựng các chương trình phục vụ cho doanh nghiệp cũng như thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho thành phố.
Hiện nay, TPHCM đã tổ chức xây dựng 4 đề án. Thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì thực hiện 4 điểm chính trong mô hình thành phố thông minh: Trung tâm dữ liệu dùng chung; Trung tâm nghiên cứu mô phỏng và dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội; Trung tâm điều hành đô thị thông minh; Trung tâm an toàn thông tin thành phố. Trong 4 chương trình lớn này, TPHCM sẽ tiếp tục xây dựng các mảng lớn: y tế thông minh, môi trường thông minh, người dân thông minh… Có thể khẳng định rằng, đề án xây dựng thành phố thông minh là một trong rất nhiều hoạt động cụ thể của TPHCM để thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù cho TPHCM.
Nhìn chung, hội thảo năm nay hướng đến việc giới thiệu, trao đổi các giải pháp hệ thống thông tin thông minh, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực tương tác thời gian thực và ứng dụng của các hệ thống này trong đô thị thông minh. Ngoài ra, hội thảo là cơ hội kết nối các nhà nghiên cứu tại các trường Đại học, Viện nghiên cứu trong và ngoài nước, các chuyên gia công nghệ và các nhà quản lý.