Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết, tổng chiều dài sạt lở mái đê biển Đông khoảng 100m. Trong đó, sạt lở đoạn giáp ranh giữa 2 tỉnh Bạc Liêu - Sóc Trăng là 60m, có nơi lở sâu vào chân đê; sạt lở đoạn cầu Chiêm Túp 1 dài 40m.
Dự báo các ngày tới, triều cường dâng cao kết hợp với gió mạnh, sóng biển rất mạnh có khả năng tràn qua đê vào nhà dân và khu vực sản xuất. Đây là điểm sạt lở trước đây đã được ngành chức năng gia cố, hiện đã cho cắm biển cảnh báo sạt lở để người dân biết.
Sau khi nghe ý kiến của các ngành liên quan, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho rằng đã đủ yếu tố công bố tình huống khẩn cấp thiên tai. "Gần đây tại Bạc Liêu thiên tai diễn ra nhiều nơi, ngày càng nghiêm trọng, chúng ta tốn rất nhiều tiền để khắc phục. Nếu không công bố tình huống khẩn cấp thiên tai làm sao kịp thời khắc phục để người dân an tâm sinh hoạt, sản xuất", Chủ tịch Bạc Liêu nhấn mạnh.
Trước đó, vào đầu năm 2023, tại khu vực này cũng xảy ra sạt lở đê nghiêm trọng. Ngay sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng đã ký quyết định công bố tình huống khẩn cấp sự cố sạt lở đê biển Đông (đoạn đầu tuyến giáp ranh tỉnh Sóc Trăng thuộc địa bàn xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu). Tỉnh này cũng đã thực hiện dự án kè gây bồi tạo bãi trên 180 tỉ đồng. Hiện dự án đang được thực hiện thì tình trạng sạt lở đê biển lại tiếp tục.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, nếu các dự án hoàn thành sẽ hạn chế sóng biển đánh vào chân đê gây vỡ đê bởi khu vực này đã không còn rừng phòng hộ.