Hội thảo đã cập nhật những thông tin về hiện trạng nguồn điện hiện nay; phổ biến chủ trương, định hướng cũng như các cơ chế chính sách hiện hành về NLTT tại Việt Nam. Hội thảo là cơ hội để các nhà đầu tư, doanh nghiệp, chuyên gia trao đổi, thảo luận, chia sẻ những giải pháp, công nghệ, kỹ thuật, thị trường NLTT; nêu các khó khăn phát sinh trong quá trình triển khai.
Hội thảo còn tạo diễn đàn mở để các cơ quan quản lý địa phương, chuyên gia, nhà đầu tư, doanh nghiệp bày tỏ ý kiến, góp ý, khuyến nghị cho các Bộ, ngành nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn nữa nguồn điện NLTT nối lưới, điện mặt trời mái nhà, nhất là ở khu vực miền Trung, miền Nam trong thời gian tới.
Với cơ chế thông thoáng cùng sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Công thương, địa phương, các doanh nghiệp và sự hỗ trợ tích cực của ngành điện, chỉ trong vài năm trở lại đây, nguồn điện từ NLTT đã có bước phát triển vượt bậc, tổng công suất đạt hơn 5.500 MW. Riêng điện mặt trời (ĐMT) đã có 5.000 MW đi vào vận hành; trong đó dự án quy mô nối lưới đạt khoảng 4.500 MW, ĐMT mái nhà có hơn 31.570 dự án với tổng công suất là 657,88 MWp (đơn vị đo công suất pin ĐMT). NLTT đã đóng góp mỗi tháng hơn 3 tỷ kWh điện, chiếm khoảng 10% tổng công suất và 6% tổng sản lượng điện thương phẩm cả nước.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực tuy nhiên việc phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, điện mặt trời, trong đó có điện mặt trời mái nhà vẫn còn một số hạn chế nhất định và chưa tương xứng với tiềm năng to lớn, đặc biệt ở khu vực miền Trung và miền Nam.
Cụ thể như hạ tầng lưới điện truyền tải đã không theo kịp tiến độ của các dự án NLTT, dẫn đến các dự án điện gió, điện mặt trời quy mô nối lưới ở một số địa phương như Ninh Thuận, Bình Thuận đã không giải toả hết 100% công suất ở một số thời điểm nhất định.
Đối với điện mặt trời mái nhà, dù rất tiềm năng và dễ làm nhưng cũng chưa đạt được như kỳ vọng vì chi phí đầu tư ban đầu còn khá cao, chưa có sự tham gia, hỗ trợ mạnh mẽ từ các tổ chức tài chính; Thị trường sản phẩm, dịch vụ điện mặt trời khá đa dạng nhưng chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp mong muốn đầu tư.
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến cũng đã thẳng thắn, trao đổi, đề cập đến những cơ chế mới sẽ được triển khai trong thời gian tới như cơ chế đấu thầu các dự án điện NLTT nối lưới; cơ chế xã hội hoá đầu tư lưới điện truyền tải; hay các vấn đề liên quan đến quản lý, tiêu chuẩn kỹ thuật lắp đặt, an toàn của sản phẩm, dịch vụ điện mặt trời mái nhà… Đây đều là những vấn đề cấp thiết mà Bộ Công Thương đang lấy ý kiến nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý, báo cáo Chính phủ xem xét quyết định trong thời gian tới.