Phục hồi san hô
Vùng biển Côn Đảo được đánh giá là nơi có sự đa dạng sinh học biển vào nhóm bậc nhất Việt Nam với rạn san hô đóng vai trò quan trọng, chiếm diện tích khoảng 2.000ha.
Tuy nhiên, từ năm 1997, san hô ở vùng biển Côn Đảo phát triển chậm, nhiều nơi bị chết và tẩy trắng, kéo dài đến năm 2016. Hiện tượng này xảy ra nhiều nhất là các loài san hô cành, kế đến là san hô khối, san hô phiến và san hô nấm.
Vì vậy, Vườn Quốc gia Côn Đảo và Viện Hải dương học Nha Trang đã phối hợp thực hiện dự án “Lựa chọn mô hình ứng dụng phục hồi san hô cứng tại khu Ramsar Vườn quốc gia Côn Đảo”.
Theo đánh giá sau quá trình thực hiện, san hô Côn Đảo có khả năng tái tạo tự nhiên rất tốt, độ phủ cao. Đến nay, các rạn san hô bị chết, tẩy trắng đã được phục hồi gần như hoàn toàn và đang phát triển khá tốt trong vùng biển Côn Đảo.
Đồng thời, hoạt động phục hồi san hô cứng trong khuôn khổ dự án cũng góp phần cải thiện các vùng rạn, làm gia tăng độ phủ của san hô, gia tăng giá bám bền vững cho san hô tái phục hồi và tạo môi trường ổn định cho sự phát triển của quần xã sinh vật rạn.
“Đến nay việc phục hồi san hô đã đạt các tiêu chí cơ bản nhất gồm: tỷ lệ sống, tốc độ tăng trưởng; các đặc điểm về sinh cảnh của vùng phục hồi", lãnh đạo Vườn Quốc gia Côn Đảo nhận định.
Thành công bảo vệ rùa biển
Từ năm 1994, Vườn Quốc gia Côn Đảo đã tiến hành chương trình bảo tồn rùa biển với nhiều nội dung như: nghiên cứu đặc tính sinh thái học của rùa biển; bảo vệ sinh cảnh làm tổ và các tổ trứng; di dời tổ trứng đến nơi an toàn; xây dựng trại giống thông qua hoạt động tạo trạm ấp trứng an toàn; kiểm tra và thả rùa con về biển...
Nhiều năm qua, bảo tồn rùa biển đã trở thành hoạt động thường xuyên, liên tục và được sự chung tay góp sức của người dân cũng như chính quyền các cấp tại Côn Đảo.
Hiện Vườn Quốc gia Côn Đảo có 18 bãi cát có rùa mẹ lên đẻ trứng, trong đó có những bãi diện tích lớn và số lượng rùa mẹ lên đẻ nhiều như bãi cát lớn đảo Bảy Cạnh, bãi cát lớn Hòn Cau, bãi cát lớn Hòn Tre lớn, bãi cát Hòn Tài và bãi Dương Hòn Bảy Cạnh. Những bãi này được bố trí các trạm kiểm lâm làm nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn rùa biển.
Với những nỗ lực đó, Vườn Quốc gia Côn Đảo là nơi đầu tiên của Việt Nam thực hiện thành công chương trình bảo tồn rùa biển. Qua đó được đánh giá quần thể rùa xanh về đẻ trứng tại Côn Đảo là một trong những quần thể rùa xanh lớn của khu vực Đông Nam Á. Đồng thời được kỷ lục Việt Nam ghi nhận là nơi thả rùa con về biển nhiều nhất.