Theo quy định tại Khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, tài sản chung vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra; thu nhập do lao động, sản xuất, kinh doanh; hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân; tài sản do vợ, chồng được thừa kế chung hoặc tặng cho chung.
Trong khi đó, Điều 43 Luật Hôn nhân gia đình lại quy định, tài sản riêng của vợ chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật; tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng,…
Thời kỳ hôn nhân được tính bắt đầu từ ngày đăng ký kết hôn đến ngày chấm dứt hôn nhân. Các cặp đôi thường đăng ký kết hôn trước ngày tổ chức đám cưới.
Do đó trong trường hợp này, của hồi môn được xác định là tài sản phát sinh trong thời kỳ hôn nhân.
Đồng thời, khi trao quà, bố mẹ thường không nói rõ là tặng riêng cô dâu hay tặng cho cả hai vợ chồng. Bởi vậy, trường hợp này không có căn cứ rõ ràng chứng minh là tặng riêng người vợ.
Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
Nói tóm lại, của hồi môn sẽ là tài sản riêng nếu người vợ có căn cứ chứng minh tài sản đó là bố mẹ tặng cho riêng. Nếu không chứng minh được thì tài sản này sẽ là tài sản chung vợ chồng.