Kamishibai - một loại hình nghệ thuật đại chúng quen thuộc của Nhật Bản lần đầu tiên được giới thiệu ở Việt Nam thông qua 2 bộ truyện cổ tích kinh điển vốn rất quen thuộc với hàng triệu độc giả nhỏ tuổi - “Cô bé quàng khăn đỏ” và “Ba chú Heo con”.
Cuốn sách được thiết kế như một sân khấu kịch thu nhỏ, khi cánh cửa sân khấu lật mở thì cũng là lúc vở kịch bắt đầu. Mỗi tập truyện gồm có 10 tấm thẻ rời, trong đó thẻ đầu là thẻ giới thiệu truyện, thẻ cuối là hướng dẫn cách sử dụng sách. 8 thẻ còn lại một mặt là hình ảnh, mặt sau là lời kể chuyện và lời thoại của nhân vật để người biểu diễn có thể dễ dàng đọc lên.
Khác với việc chỉ nghe kể chuyện đơn thuần, trẻ sẽ cảm thấy dễ hiểu hơn, dễ cảm nhận được niềm vui và câu chuyện từ cách kể độc đáo này. Tai và mắt đều phải cùng làm việc, trẻ như được bước chân vào một thế giới cổ tích, cảm nhận niềm vui khi được khám phá câu chuyện.
Không chỉ kể lại cho trẻ những câu chuyện đã được chuẩn bị sẵn, cha mẹ cũng có thể cùng con tận dụng “sân khấu nhỏ” để thỏa sức sáng tạo bằng cách tự cắt, vẽ những câu chuyện khác của riêng mình. Qua đó, Kamishibai sẽ giúp cho những câu chuyện, những bài thuyết trình nhỏ xinh đầu đời trở nên trang trọng, vui vẻ và sống động hơn.
Được biết, Kamishibai được lấy cảm hứng từ loại hình nghệ thuật văn hóa dân gian truyền thống của Nhật bản. Trong tiếng Nhật, Kami có nghĩa là “giấy”, còn Shibai là “diễn kịch hoặc kể chuyện”. Người nghệ sĩ sẽ đặt từng bức tranh ở phía sau một khung hình trống và thay đổi chúng dựa theo diễn biến câu chuyện mà mình đang kể. Thông qua lời nói và động tác của người dẫn, câu chuyện sẽ trở nên sống động hơn, nhiều màu sắc hơn tựa như đang trong một buổi diễn kịch.
Có lẽ vì những ưu điểm như vậy mà ở các trường học của Nhật Bản, Kamishibai trở thành một bộ môn rất được yêu thích. Đối với trẻ em Nhật, hộp kể chuyện Kamishibai cũng thân quen như chiếc bảng đen đối với học sinh Việt Nam vậy. Với hình thức độc đáo này, đây chắc chắn là một trong những cuốn sách nhất định phải có trong tủ sách của các bé.