“Khu rừng trong chai” kể về hành trình phiêu lưu của cậu nhóc An An, bắt đầu từ khi cậu được trao cho một hạt giống lạ. Mang theo giấc mơ về cây đậu thần khổng lồ, An An gieo hạt vào một cái chai thủy tinh. Trong thế giới bao bọc khép kín, hạt giống lặng lẽ nảy mầm, lớn lên, sinh sôi nảy nở tạo nên cả một khu rừng.
Thế rồi gần cả thế kỷ trôi qua, khu rừng trong chai dần rơi vào quên lãng, màu xanh của cây cỏ cũng dần mất đi, giờ đây chỉ còn trơ trọi những tòa nhà chọc trời, khói bụi độc hại, trái đất chìm trong biển nước ngập mặn, liệu con người sẽ tiếp tục tồn tại như thế nào? Và liệu khu rừng năm xưa trong chiếc chai nhỏ bé sẽ xảy ra điều gì kỳ diệu?

Dạo bước đến “Khu rừng trong chai” cùng An An, độc giả không chỉ có thể khám phá vẻ đẹp muôn màu, mà còn là sức sống mãnh liệt của tự nhiên, dù bị giam hãm, lãng quên hay hủy hoại đến thế nào vẫn kiên cường gieo mầm hy vọng cho hành tinh xanh mãi.
Theo đó, cuốn sách của nhà văn Huỳnh Trọng Khang đảm bảo được yếu tố giản dị, dễ hiểu với độc giả nhỏ tuổi; nhưng đồng thời, vẫn có những liên tưởng, so sánh, nhân hóa mang đậm chất thơ ca để kích thích trí tưởng tượng cho trẻ.
“Khu rừng trong chai” cũng được tác giả viết với kết cấu vòng tròn, thể hiện sự quay ngược thời gian về mặt ý niệm mang lại nhiều cảm xúc: trẻ thơ trở thành người lớn; và rồi, người lớn quay về thời thơ trẻ, như được sống lại lần nữa với hạt giống trong tay, quên đi bộn bề, hòa vào thiên nhiên. Thế giới của “Khu rừng trong chai” là thế giới được nhìn qua cặp mắt đong đầy cảm xúc, sự hiếu kỳ, và cả những lí giải ngộ nghĩnh của trẻ thơ.
Bên cạnh đó, “Khu rừng trong chai” không đơn thuần phản ánh xu hướng trồng cây trong chai đang thịnh hành của giới trẻ, giới văn phòng để môi trường công sở có thêm màu xanh. Thực tế, sự lựa chọn không gian để hạt giống sinh sống cũng phần nào mang tính ẩn dụ.
Trong truyện, việc chăm sóc hạt giống để hạt ươm mầm, nở thành cây của cậu bé An An không hề dễ dàng mà gặp vô vàn thử thách. Tình tiết cũng cho thấy rằng, việc giữ gìn môi trường xanh, không gian cho cây cối trong đời sống tăng trưởng với tốc độ nhanh chóng khi nông thôn dần bị đô thị hóa là điều rất khó khăn.
Những hạt giống tràn ngập màu sắc là một trong những yếu tố mĩ thuật chủ đạo, thường xuyên được lặp lại trong nhiều tranh vẽ của cuốn sách. Một quyển tranh truyện đầy sắc màu, hình ảnh dễ thương bắt mắt cùng câu chuyện hấp dẫn kỳ lạ, chắc chắn sẽ lôi cuốn không chỉ các bạn đọc nhỏ tuổi mà ngay cả những bậc phụ huynh cũng sẽ cảm thấy thú vị và hào hứng khi theo dõi “Khu rừng trong chai”.
Sinh năm 1994, Huỳnh Trọng Khang là một trong những cây bút trẻ được kỳ vọng sẽ tạo “nội lực” cho thể loại tiểu thuyết. Năm 2016 anh cho ra mắt “Mộ phần tuổi trẻ” và một năm sau đó được vinh danh tại giải “Sách hay” ở hạng mục “Phát hiện mới” vào năm 2017.
Mỗi năm Huỳnh Trọng Khang đều cho ra những tác phẩm ấn tượng, có thể kể đến như: “Những vọng âm nằm ngủ” (2018), “Phật trong hẻm nhỏ” (2020) và “Bể trăng côi” (2023). Ngoài tiểu thuyết, anh cũng chắp bút cho nhiều tác phẩm hướng đến thiếu nhi, gồm tập thơ “Mephy! Mephy!” hay truyện dài “Bơ không phải để ăn” và gần đây nhất là “Khu rừng trong chai”.