Quy định pháp luật về xử phạt hành chính đối với hành vi xả rác nơi công cộng, khu dân cư đã có đầy đủ (Nghị định 155 và Nghị định 167), trong đó quy định rõ thẩm quyền xử phạt.
Thế nhưng, việc triển khai thực hiện còn nhiều hạn chế, chưa nâng cao vai trò của cơ quan địa phương trong việc phát hiện, xử lý vi phạm.
Theo Phó GĐ Sở Tài nguyên – Môi trường TPHCM Nguyễn Thị Thanh Mỹ, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã lập biên bản, xử phạt hơn 450 trường hợp vi phạm với số tiền phạt hơn 1,3 tỉ đồng. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm vẫn còn phổ biến.
Vì vậy, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho rằng cần giao thẩm quyền kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính về vệ sinh nơi công cộng cho đội quản lý trật tự đô thị và đội thanh tra xây dựng địa bàn. Nguồn tiền xử phạt vi phạm được dùng để hỗ trợ kinh phí, duy trì hoạt động của lực lượng này.
Ngoài ra, Sở Tài nguyên – Môi trường TPHCM cũng đề xuất cơ chế “phạt nguội” thông qua thiết bị ghi hình. Cụ thể, cơ quan chức năng địa phương được sử dụng hình ảnh trích xuất từ hệ thống camera an ninh, camera giao thông để lập biên bản vi phạm hành chính về vệ sinh nơi công cộng.

Ông Huỳnh Cách Mạng - Phó Chủ tịch UBND TPHCM, nhận xét quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực môi trường hiện nay chưa đầy đủ, chưa đồng bộ.
Cùng đó, lực lượng thường trực thực hiện chức năng kiểm tra, xử phạt hiện còn thiếu, trong khi hành vi vi phạm diễn ra rất nhanh.
Vì vậy, UBND TPHCM sẽ giao thẩm quyền kiểm tra, lập biên bản hành chính đối với các hành vi xả rác ra công cộng cho các đội quản lý trật tự đô thị và đội thanh tra xây dựng địa bàn.
Song song đó, thành phố sẽ nghiên cứu cho phép chính quyền địa phương dùng hình ảnh trích xuất từ camera an ninh để xử lý hành vi xả rác bừa bãi trong thời gian tới.
Theo các chuyên gia môi trường, để có thể cải thiện chất lượng môi trường, nhất thiết nâng cao ý thức người dân trong vấn đề xả thải.
Không dừng lại ở công tác tuyên truyền mà nên kết hợp với chế tài. Cùng với đó, nâng cao vai trò và năng lực của các cơ quan chức năng liên quan, mạnh dạn phân cấp, trao quyền và đề xuất mức phạt hành chính thật nặng với đối tượng có hành vi vi phạm môi trường nói chung và xả rác nơi công cộng nói riêng.
Đặc biệt, cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế huy động vai trò của người dân, cộng đồng trong việc tham gia phát hiện, ghi hình và xử phạt đối tượng xả rác nơi công cộng.