Nói về câu chuyện chơi xe cổ, có lẽ ai cũng biết rằng đây là một thú chơi đầy công phu và tỉ mỉ. Những người "chơi" không chỉ là những người có niềm yêu thích xe cổ, mà còn phải có duyên, có tài chính, và có đủ thời gian để theo đuổi thứ đam mê "xa xỉ" này của mình.
Tôi tình cờ được trao đổi với anh T.L (Quận Bình Thạnh, TPHCM) - một thành viên trong câu lạc bộ xe cổ tại Việt Nam đồng thời là thế hệ thứ hai trong gia đình có "truyền thống" sưu tập xe cổ từ những năm 1995.
“Nghe nói mê xe, thích xe thì mình trao đổi, có người để chia sẻ cái đam mê của mình cũng thấy vui. Chứ hầu hết người chơi xe đều kín tiếng, nhất là các bác các anh lớn tuổi, họ không thích lên báo, đao to, búa lớn làm gì” - anh T.L chia sẻ thật lòng.
Anh mở đầu câu chuyện bằng cách hướng dẫn tôi phân biệt đời xe. Nói về xe cổ, theo thông lệ quốc tế, xe cổ có hai loại gồm xe classic (tuổi đời từ 30 năm trở lên) và xe vintage (tuổi đời từ 50 năm trở lên). Hầu như xe hiện tại đều tồn tại từ Sài Gòn ngày xưa, được người Pháp người Mỹ đưa từ nước ngoài về Việt Nam.
Câu lạc bộ xe cổ đang dần trẻ hoá
Lịch sử của các câu lạc bộ (CLB) chơi xe cổ được hình thành từ đầu những năm 2000. Câu lạc bộ Bọ (xe Volkswagen Beetle) Việt Nam đầu tiên ở TPHCM được thành lập từ năm 2002. Sau này, những người chơi xe ngoài Hà Nội cũng thành lập CLB Bọ Hà Nội, vào những năm 2008 - 2009 thì TPHCM có thêm CLB Classic Car Club là câu lạc bộ những chiếc xe cổ thương hiệu khác ngoài xe con bọ.

Theo lời kể của anh T.L, trước đây các thành viên thành lập hội xe cổ thường đi giao lưu cà phê vào cuối tuần. Nhưng gần đây do cũng nhiều bác đã lớn tuổi, thích ở nhà chơi với con cháu hơn, nên hiện tại anh và bạn bè đang xây dựng CLB Volkswagen dành cho những người trẻ tuổi trong Sài Gòn.
"Thông tin offline không nhiều tuy nhiên CLB vẫn giữ liên lạc qua nhóm facebook và nhóm viber để thông báo 1 số chương trình giao lưu đến các anh em. Tuy nhiên, bây giờ hội những anh em trẻ tuổi mình thì chỉ cần hứng lên là đi gặp nhau cà phê thôi", anh chia sẻ.
Những dòng xe cổ tại Việt Nam
Gia đình anh có ba người chơi xe gồm bố, anh trai và anh T.L, do đó số lượng xe trong nhà khá nhiều với đa dạng các dòng xe cả Đức, Mỹ, Pháp. Khi được tiếp xúc với nhiều dòng xe, anh T.L có được nhiều trải nghiệm và rút ra rằng Volkswagen là dòng xe "dễ nuôi" nhất.
Dòng xe cổ có số lượng nhiều nhất tại Việt Nam hiện nay cũng chính là Volkswagen. Lí do Volkswagen là dòng xe dễ sử dụng và tương đối "lành" hơn so với các dòng xe Mỹ, Đức, Pháp. Những chiếc xe cổ mà thỉnh thoảng được bắt gặp đang nằm đường, nếu nói về tỉ lệ 10 chiếc thì sẽ chỉ có 1 chiếc là Volkswagen thôi, mà chiếc đó chắc là bị hết xăng, anh T.L hóm hỉnh nói.
Nói về độ hiếm thì dòng xe châu Âu và xe Mỹ là những dòng xe hiếm ở Việt Nam ví dụ Cadillac có 5-6 chiếc, Citroen có khoảng 30 - 40 chiếc. Theo thông tin trong câu lạc bộ xe cổ thì hiện tại chiếc cổ nhất tại Việt Nam là chiếc Ford Model A 1928 hiện đang ở TPHCM.
Câu chuyện mua bán xe cổ không hề đơn giản
Việc mua - bán xe cổ thường chỉ diễn ra nội bộ trong hội, thường người chơi xe ít bán xe vì đã bỏ rất nhiều công sức. Mỗi chiếc xe là một sự kỳ công tìm, săn và theo đuổi để sở hữu. Có những chiếc xe anh và bố mình phải theo đuổi hơn 4 năm mới mua được như chiếc Karmann Lowlight độc nhất tại Việt Nam, hay chiếc Karmann Ghia Cabriolet mất tới 9 năm theo đuổi của chủ nhân trong hội Bọ Hà Nôi. Hơn nữa, dọn một chiếc xe cũng rất kì công và tiêu tốn nhiều thời gian, bình thường dọn một chiếc xe hết khoảng 1 - 2 năm, điển hình có những chiếc xe dọn tới 4 - 5 năm.

"Mỗi chiếc xe khi mua về đều có những câu chuyện khác nhau, nhiều khi phải là duyên nên mình mới mua được những chiếc xe đó. Xe cổ không giống xe mới ở chỗ là chỉ cần có tiền cầm đi mua xe là được"- Anh T.L nhấn mạnh.
Nhất là trong khi mua bán xe, không nên hỏi người chơi xe những câu kiểu như "Anh có bán chiếc xe này không? Anh bán bao nhiêu?" anh T.L giải thích. Khi hỏi như vậy những người chơi xe dù có muốn bán vì lí do gì đó họ cũng sẽ khó chịu. Thường người chơi xe chỉ bán xe cho người quen, hoặc những người đam mê có thể "chăm" cho chiếc xe giống như bản thân mình chăm vậy để chia sẻ khi mình dư hoặc bán để mua một chiếc khác cổ hơn.
Việc định giá xe thường được thành viên tham khảo những người đã từng chơi dòng xe đó, hoặc tham khảo một số người chuyên mua bán xe cổ trong CLB. Anh T.L đưa ra ví dụ, những chiếc Bọ 1955 trở về trước có giá tầm 40.000 - 50.000 USD, còn những chiếc từ 1955 trở lại đây từ 20.000 - 30.000 USD.
Một số chiếc xe hiếm, đánh giá dựa trên giá trị ở nước ngoài. Ở Mỹ có một hiệp hội chuyên đánh giá và định giá xe cổ để bán bảo hiểm cho xe cổ. Trên trang web của hiệp hội sẽ có phần "value your car"- được dịch ra là định giá xe của bạn, chỉ cần mình điền thông tin số khung số máy vào đó là mình sẽ biết được mức giá sàn thấp nhất của chiếc xe.
Câu chuyện về những chiếc xe cổ có lẽ còn rất dài, bởi mỗi chiếc xe là một câu chuyện khác nhau. Tuy nhiên, qua câu chuyện được anh T.L chia sẻ, chắc hẳn những hiểu biết cơ bản về thú chơi xe cổ ít nhiều đã được phác hoạ rõ nét hơn. Hãy cùng đón đọc câu chuyện tiếp theo về chiếc Volkswagen Karmann Ghia Lowlight duy nhất tại Việt Nam vào kỳ tiếp theo!