Bệnh nhân Lê Văn Hồng (83 tuổi, ngụ tại TPHCM), được bác sĩ chẩn đoán hẹp động mạch chủ rất nặng. Trước đó dù đã từng đặt stent, tuy nhiên trong vòng 3 – 4 tháng gần đây ông bị rơi vào tình trạng khó thở và tức ngực mỗi ngày một trầm trọng hơn, chỉ cần di chuyển vài trăm mét cũng khiến bệnh nhân thở dốc và đau tức ngực.
Các khảo sát hình ảnh và xét nghiệm cho thấy van động mạch chủ của bệnh nhân bị hẹp rất nặng, phương pháp can thiệp bằng thuốc không còn đáp ứng nữa.
Theo TS.BS Hồ Minh Tuấn - Trưởng khoa Tim mạch Bệnh viện FV, trong trường hợp này bệnh nhân cần phải thay van tim mới có thể giữ được tính mạng. Phương pháp an toàn nhất đối với ca bệnh này là can thiệp thay van tim bằng kỹ thuật TAVI, vì tiên lượng tỷ lệ tử vong cao nếu chọn phương pháp mổ hở.
Ca phẫu thuật kéo dài 2 tiếng cùng sự hỗ trợ của các chuyên gia về tim mạch Viện tim mạch Trung ương Kuala Lumpur. Các bác sĩ dùng ống thông nhỏ để đưa một van mới tới tim thông qua một động mạch ở chân, thay thế van động mạch chủ tự nhiên của bệnh nhân. Quá trình này được thực hiện dưới sự hỗ trợ của máy siêu âm tim và hệ thống chụp mạch máu số hóa xóa nền (DSA).
“Ngay sau phẫu thuật, bệnh nhân được kỹ thuật viên phục hồi chức năng giúp tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng tim. Ba ngày sau, bệnh nhân đã tự đi lại, tập thể dục như bình thường và có thể xuất viện”, TS.BS Hồ Minh Tuấn cho biết.
Hẹp van động mạch chủ là tình trạng van tim không thể mở ra hoàn toàn, gây cản trở lưu lượng máu từ tim đi nuôi cơ thể. Đây là một bệnh lý tim mạch phổ biến, chiếm khoảng 2-5% ở người từ 65 tuổi trở lên và 30% người trên 75 tuổi. Bệnh nhân bị hẹp van động mạch chủ có nguy cơ tử vong sau 1 năm lên tới 40% nếu như không được can thiệp thay van nhân tạo.
Trước đây, phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho bệnh hẹp van động mạch chủ là phẫu thuật tim hở: bệnh nhân được mở ngực, dừng tim, sau đó các bác sĩ sẽ thay thế van động mạch chủ tự nhiên bằng một van nhân tạo. Phương pháp này có nhiều hạn chế: thời gian phẫu thuật dài, nguy cơ biến chứng cao, thời gian hồi phục lâu, và không thể áp dụng cho bệnh nhân tuổi cao, sức khỏe yếu hoặc có các bệnh lý khác như bệnh đái tháo đường, bệnh mạch vành, suy thận, bệnh phổi….
“TAVI (transcatheter aortic valve implantation) – là phương pháp thay van động mạch chủ qua da, đã được sử dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới và tại Việt Nam cũng có một số trung tâm lớn đã triển khai. Ưu điểm của phương pháp này là nhanh chóng, hiệu quả và an toàn, tránh cho bệnh nhân một cuộc mổ hở”, TS.BS Hồ Minh Tuấn giải thích.