Chị Đ.T.T (27 tuổi, TPHCM) nhập bệnh viện Đa khoa Tâm Anh trong tình trạng vùng bụng, cánh tay bị nổi nhiều mụn và chai cứng có gờ, một số vùng tiêm vẫn đang chảy dịch vì viêm nhiễm.

Theo bệnh nhân, vì làm công việc bán hàng mỹ phẩm nên chị cần duy trì vóc dáng. Chị T đã lên mạng xã hội tìm hiểu và thấy được quảng cáo “giảm mỡ bụng, giảm cân nặng sau 3 tháng tiêm thuốc tiêu mỡ” nên quyết định đến làm.
Lúc đầu, thẩm mỹ viện cam kết giúp chị giảm 2-4kg trọng lượng và 20-30cm vòng eo so với mức cân nặng và vòng eo hiện tại. Tuy nhiên, thực tế sau 3 tháng kèm phải ăn uống kiêng khem, cân nặng chỉ giảm 0,8gr và vòng eo giảm 12cm.
Ngày đầu tiêm, vùng mặt trong bắp tay và vùng bụng xuất hiện 1-2 mụn cứng. Đặc biêt, mỗi lần massage theo liệu trình, mụn nổi nhiều hơn nhưng cơ sở thẩm mỹ giải thích do thuốc tác dụng chậm, tan từ từ.
“Sau 2 tháng tiêm thuốc tiêu mỡ bụng, những cục mụn cứng chai cứng hơn, tấy đỏ, chảy dịch và đau. Mủ ứ đọng bên trong, khi sờ mụn như phình lên. Xung quanh bụng tôi cũng xuất hiện nhiều mụn nhỏ rỉ mủ máu nhưng tôi đã tự nặn ra”, chị T nhớ lại.
Chị T đã liên tục uống kháng sinh 7 ngày nhưng tình trạng trên không giảm.
TS.BS Đăng Thị Ngọc Bích - khoa Da liễu, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM nhận định, vùng bắp tay (2 bên) xuất hiện ổ viêm kích thước khoảng 1cm; vùng bụng phía trên hông bên trái có 5-6 cục u xơ cứng, còn phía bên phải cũng có các cục viêm. Siêu âm cũng cho thấy có dịch trong những cục nốt ở vùng bụng và bắp tay, có biểu hiện áp xe, bề mặt viêm đỏ.
“Nếu để lâu sẽ gây nhiễm trùng và tiến triển thành ổ áp xe. Những nốt cục mà bệnh nhân nặn ra trước đó đang xẹp nhưng vẫn còn cục nhân cứng nhỏ do hình thành mô xơ”, bác sĩ Bích nói thêm.
Thời gian đầu, bệnh nhân cần điều trị viêm và tiêu dịch trong những cục nhọt/áp xe trước: sử dụng thuốc uống gồm kháng sinh (chống nhiễm trùng); kháng viêm (giúp tan mô xơ) và các thuốc kháng sinh bôi. Sau khi uống thuốc, nếu nhọt hết viêm, hết mủ mà nốt xơ không biến mất thì sẽ áp dụng phương án mổ lấy mô xơ.
Sau 1 tuần điều trị, chị T đến bệnh viện tái khám, bác sĩ nhận thấy những ổ dịch đã tiêu biến, các cục u xơ đã teo nhỏ, hết hẳn biểu hiện chảy dịch và viêm nhiễm.
Trường hợp sau khi đi tiêm giảm béo, nếu xuất hiện biểu hiện sưng tấy, chảy mủ… người bệnh cần phải đến bệnh viện để điều trị các nốt viêm do tiêm thuốc càng sớm càng tốt. Nhiều trường hợp, thuốc tiêm tan mỡ phá hủy luôn màng tế bào của các tổ chức mạch máu, thần kinh nơi thuốc đi đến, khiến tình trạng hoại tử lan rộng, ăn sâu vào trong càng gây khó cho quá trình điều trị khắc phục.