Có con học trường mầm non, chị An Nhi (Quận 6) lo lắng khi con liên tục ho, chảy mũi suốt nhiều ngày. Nghi con bị bệnh liên quan đến đường hô hấp, chị Nhi đã đưa con đến phòng khám gần nhà để điều trị kịp thời.
"Vì trẻ nhỏ, sức đề kháng yếu nên tôi nghi ngờ con có thể gặp các bệnh lý ngay mùa tựu trường. Trước đây, con cũng từng bị triệu chứng tương tự nên sau khi theo dõi, tôi đã đưa trẻ đến phòng khám" - chị Nhi chia sẻ.
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Hải - Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM), tính từ đầu tháng 9 đến nay, đơn vị tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhi đến thăm khám các bệnh như hô hấp, tiêu hóa và bệnh lây nhiễm.
Với nhóm bệnh hô hấp, thường gặp là bệnh lý viêm mũi họng, viêm amidan và số ít là bệnh viêm phổi. Nhóm bệnh đường tiêu hóa thường gặp là rối loạn tiêu hóa, nhiễm trùng thức ăn. Đối với các bệnh lây nhiễm gồm các bệnh sởi, sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng.
Có 4 nguyên nhân chính gây bệnh như thời điểm mưa nắng thất thường với tần suất mưa nhiều là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn sinh sôi, gây bệnh.
Trẻ chuyển từ trạng thái nghỉ ngơi sang trạng thái học tập, phần lớn trẻ gặp stress, lo lắng, căng thẳng, cùng hệ thống miễn dịch chưa hoàn chỉnh, có thể dễ nhiễm bệnh.
Bên cạnh đó, trẻ sẽ tiếp xúc với cộng đồng lớn hơn so với môi trường sinh hoạt trong gia đình. Trẻ có thể mắc bệnh từ những phương thức lây truyền như bảng, đồ chơi… hoặc quên rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh…
Để giúp trẻ tránh gặp những bệnh lý này, bác sĩ Hải khuyến cáo phụ huynh nên tăng sức đề kháng cho trẻ; rèn luyện thói quen ngủ sớm và dậy sớm; nhắc nhở trẻ nên rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; che miệng và mũi khi ho để tránh lây nhiễm cho người xung quanh.
Với bệnh lây nhiễm đã có vaccine phòng bệnh, phụ huynh nên đưa trẻ tiêm ngừa đầy đủ. Ngoài ra, khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bệnh lý, phụ huynh sớm đưa trẻ đi thăm khám và báo với giáo viên, tránh lây bệnh cho các bạn khác trong lớp.