"Tuổi trẻ ai cũng có những lựa chọn. Và chúng tôi chọn góp sức nhỏ của mình, mang yêu thương đi thật xa" - đó là khẩu hiệu của những sinh viên Đại học Y Hà Nội xung phong chi viện cho miền Nam giữa thời điểm nơi đây đang là tâm dịch của cả nước.
Trong đó có bộ ba Minh Hải-Mạnh Cầm-Thành Trung mở đầu "Trạm yêu thương" bằng ca khúc "COVID-19 nhanh đi đi". Cả 3 bạn trẻ Minh Hải, Mạnh Cầm, Thành Trung không chỉ thể hiện sự mong mỏi về một ngày mai không còn dịch bệnh mà còn thể hiện sự nhiệt huyết, tinh thần vì cộng đồng của những người trẻ.
Nguyễn Ngọc Minh Hải - sinh viên chuyên ngành Bác sĩ Đa khoa, trường Đại học Y Hà Nội khóa 2016 – 2022 không còn là cái tên xa lạ khi tháng 7.2021, mạng xã hội lan truyền ảnh chụp lá thư tay Hải viết gửi Ban Giám hiệu nhà trường xung phong vào tâm dịch ở Bình Dương với nội dung khiến nhiều người xúc động: "Khi Tổ quốc cần, thanh niên không ngại khó", đặc biệt khi là sinh viên Y Hà Nội, mang trong mình niềm tự hào của mái trường có truyền thống hơn một thế kỷ phụng sự Tổ quốc và chăm sóc sức khỏe nhân dân".
Minh Hải là một trong rất nhiều sinh viên ngành Y sẵn sàng lên đường chống dịch ở thời điểm đó. Ngay khi biết tin này, Nguyễn Thành Trung và Đỗ Mạnh Cầm hai sinh viên năm cuối cũng mạnh dạn viết thư xin tham gia vào đội tình nguyện của Đại học Y chi viện cho công tác phòng, chống dịch tại miền Nam. Những lá đơn ấy được viết ngay khi họ vừa được nghỉ hè một ngày.
Với sinh viên Đại học Y, năm cuối là thời điểm quan trọng nhất khi kỳ thi bác sĩ nội trú gần kề, thậm chí quan trọng hơn cả thi Đại học. "Vì thi Đại học không đỗ bạn có thể thi lại, còn thi nội trú thì cả đời chỉ có một lần duy nhất" – Mạnh Cầm chia sẻ.
Thế nhưng họ tự động viên mình, "đó là việc cá nhân, mà việc cá nhân thì nên gác lại cho công việc chung của cả nước". Vì thế, 3 bạn trẻ đã sẵn sàng và tình nguyện cho công việc chung này.
Chia sẻ trong "Trạm yêu thương", nhóm sinh viên Đại học Y cho biết, vào tâm dịch họ làm tất cả mọi việc từ lấy mẫu bệnh phẩm, truy vết F0, đi điều trị cho đến công việc hành chính chưa bao giờ làm như lập danh sách, rà soát đối tượng, xây dựng kho lưu trữ thông tin…
Và tình hình ở đó khắc nghiệt hơn rất nhiều so với những gì họ tưởng tượng: "Những cuộc điện thoại dồn dập với nội dung "nguy kịch lắm rồi", "hay F0 đã mất" báo về liên tục. Chúng em đã hỗ trợ thành phố Thuận An truy vết 5.997 F0. Có lẽ chỉ khi chương trình này lên sóng, gia đình và người thân mới biết chúng em đã gần với F0 và đối diện với nguy hiểm như thế" – Minh Hải nói.
Khi được hỏi có bao giờ thấy sợ không, nhóm sinh viên Đại học Y Hà Nội thẳng thắn trả lời, "Lo lắng thì có, còn sợ thì không". Và điều họ không mong muốn nhất chính là đồng đội của mình mắc COVID-19. Vì điều đó đồng nghĩa với việc tinh thần của mọi người sẽ đi xuống và sẽ bớt đi một người để giúp đỡ được rất nhiều F0 đang cần trợ giúp.
Nếu Mạnh Cầm và Minh Hải giấu gia đình chuyện mình xung phong vào khu vực đang là tâm dịch thời điểm bấy giờ, vì sợ bố mẹ sẽ lo lắng thì Thành Trung lại viết đơn tình nguyện khi ngồi bên cạnh mẹ.
Gia đình Thành Trung có hoàn cảnh vô cùng đặc biệt. Bố Trung mất sớm, từ nhiều năm nay sức khỏe mẹ đã yếu nhưng vì để nuôi hai anh em Trung ăn học nên phải gồng mình tiếp công việc sửa xe đạp mà bố em để lại.
Với mẹ, Thành Trung là trụ cột duy nhất của gia đình, vì thế khi con trai đăng ký đi chống dịch mẹ không khỏi lo lắng. Thế nhưng là một sinh viên Y khoa, Trung chọn gác lại gánh nặng gia đình để quyết tâm lên đường, đóng góp một phần sức lực của mình vào công việc chung của đất nước.
Nhân vật của "Trạm yêu thương" số 7 không chỉ sẵn sàng nhận nhiệm vụ khó khăn nhất, sẵn sàng giúp đỡ mọi người mà họ còn sẵn sàng sẻ chia.
Ngay khi biết tin chương trình trao tặng món quà đặc biệt, Minh Hải và Mạnh Cầm đã thống nhất dành tất cả cho Thành Trung với hy vọng, món quà đó sẽ phần nào san sẻ bớt gánh nặng hiện tại của gia đình bạn, để Trung có thêm thời gian và yên tâm hoàn thành ước mơ trở thành bác sĩ trong tương lai.