Tọa đàm khoa học mang tên “Chiến trường bán dẫn: Tương lai của các trung tâm bán dẫn toàn cầu” được tổ chức nhân dịp ra mắt sách "Chiến trường bán dẫn: Cạnh tranh chiến lược và tự chủ đổi mới sáng tạo của Trung Quốc thế kỷ 21" của tác giả Phạm Sỹ Thành và Nguyễn Tuệ Anh.
Hai tác giả đã nghiên cứu để vén màn bí mật về cuộc đua không khoan nhượng giữa các cường quốc nhằm kiểm soát một trong những ngành công nghiệp quan trọng nhất của thế giới: Bán dẫn.
Theo đó, cuộc tọa đàm khoa học với sự tham gia của các diễn giả nhằm bàn luận chuỗi giá trị ngành bán dẫn và quy trình sản xuất chip; Các xu hướng tự chủ chiến lược về công nghệ; Tác động của một cuộc chiến bán dẫn trong bối cảnh cạnh tranh địa - chính trị của các cường quốc đối với sự phát triển của ngành bán dẫn...
Tại tọa đàm, TS. Nguyễn Tuệ Anh đã trình bày những vấn đề liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn tại Mỹ - cường quốc nắm giữ chuỗi giá trị liên quan đến chất bán dẫn trên thế giới.
Với câu hỏi đặt ra là liệu Mỹ có kiểm soát được Trung Quốc trên chiến trường bán dẫn này hay không? TS. Nguyễn Tuệ Anh cho rằng, đó là điều bạn đọc sẽ tìm ra câu trả lời khi đọc cuốn sách này.
TS. Phạm Sỹ Thành cũng đánh giá, bản thân bộ máy tổ chức của Trung Quốc là một dạng nguồn lực, cho phép đánh giá hiệu quả của chính sách bán dẫn.
Diễn giả Phùng Việt Thắng lại cho rằng, các nhà hoạch định chính sách phải quan tâm đến rất nhiều góc độ sau khi chính sách ra đời.
Đối với một quốc gia, công nghiệp bán dẫn là quan trọng, vì không phải chỉ có khối tư nhân mới làm được, cần có sự hỗ trợ và đầu tư bằng nhiều phương thức. Chúng ta gọi đây là cuộc chiến giữa hai cường quốc, không dẫn đến người thắng kẻ thua, mà dẫn đến vị thế của quốc gia nào là quan trọng hơn và gây ảnh hưởng đến thế giới nhiều hơn.
Sự hợp tác của Việt Nam với một quốc gia nào đó duy nhất sẽ là không đủ để Việt Nam xây dựng được vị thế của mình. Sắp tới sẽ có những sự dịch chuyển nhanh hơn nữa về mặt công nghệ, Việt Nam đứng giữa sự dịch chuyển đó, chúng ta hoàn toàn có thể hợp tác với lĩnh vực bán dẫn của Mỹ, Trung Quốc, hay các quốc gia châu Âu, chỉ cần chúng ta chứng minh được sự hấp dẫn của mình.
Ông Vũ Trọng Đại - Giám đốc TIMES (đơn vị xuất bản cuốn sách) cho hay, cuốn sách này nằm trong Tủ sách Khoa học công nghệ của TIMES nhằm mong muốn cung cấp cho bạn đọc bức tranh toàn cảnh về công nghệ, nhất là trong bối cảnh Việt Nam có nhiều cơ hội và tiềm lực nội địa rất lớn để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Sau tọa đàm lần này, hai tác giả sách hy vọng mỗi quốc gia, những nhà hoạch định chính sách và nhà nghiên cứu sẽ tự nhìn nhận lại tiềm lực quốc gia, tìm ra điểm tiếp cận về mọi khía cạnh của bán dẫn.