Đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực, gây thiệt hại lớn cho ngành du lịch suốt 2 năm qua. Năm 2022 được các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, du lịch đặt kỳ vọng với những bước chuyển mình để thích ứng “trạng thái bình thường mới”.
Theo đó, đối với lĩnh vực nhà hàng và khách sạn, chuyển đổi số nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ và góp phần nâng cao sự hài lòng của du khách; tạo thuận lợi, thu hút khách du lịch, phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, đáp ứng nhu cầu đặc thù, chuyên biệt của thị trường khách sạn, hỗ trợ kết nối hiệu quả với các chủ thể liên quan; nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Trong “Hội nghị chuyển đổi số tại các khách sạn” tổ chức tại TPHCM, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM đánh giá, đối với sự phát triển của ngành du lịch, cơ sở lưu trú có vai trò quan trọng. Những năm gần đây, hệ thống cơ sở lưu trú ở của TPHCM có bước phát triển khá nhanh cả về số lượng và chất lượng.
Tính đến cuối năm 2022, trên địa bàn thành phố đã có 4.426 cơ sở lưu trú du lịch các loại với hơn 60 nghìn phòng kinh doanh. Trong đó, 326 khách sạn từ 1 đến 5 sao với 18.554 buồng/phòng kinh doanh, hơn 4.100 cơ sở lưu trú du lịch các loại, tương ứng với 42.755 buồng/phòng đạt tiêu chuẩn kinh doanh lưu trú du lịch. Hệ thống dịch vụ cơ sở lưu trú phát triển góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và sức hấp dẫn của du lịch thành phố.
Sau 9 tháng mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch, đến thời điểm hiện nay, du lịch Việt Nam nói chung và ngành du lịch thành phố nói riêng đã phục hồi với tốc độ khá nhanh và đang có bước phát triển nhanh. Ước tính trong năm 2022, TPHCM đón 3.465.686 lượt khách quốc tế, 31.236.443 lượt khách nội địa. Tổng thu du lịch cả năm 2022, ước đạt 131.138 tỉ đồng, tăng 45,7% so với kế hoạch năm 2022.
Tuy nhiên, theo bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, mặc dù TPHCM có nhiều điểm sáng về phát triển, ứng dụng công nghệ số, thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ số tại các khách sạn trên địa bàn còn nhiều bất cập do thiếu chiến lược thực hiện, hạn chế về nguồn vốn đầu tư, chất lượng nhân sự triển khai và việc nắm bắt các công cụ mới cũng như hạ tầng thông tin còn hạn chế.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang phát triển mạnh mẽ theo hướng ứng dụng công nghệ số, du lịch thông minh đang là cơ hội và cũng là thách thức với ngành lịch. Các doanh nghiệp du lịch ở Việt Nam cũng đã đầu tư cho công nghệ và triển khai nhiều ứng dụng thông minh nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách trong việc tìm kiếm và đặt dịch vụ như vé máy bay, phòng khách sạn để du khách có thể chủ động lập kế hoạch phù hợp.
Với dịch vụ lưu trú, sự kỳ vọng của khách hàng ngày càng cao từ các dịch vụ đòi hỏi khách sạn phải đầu tư vào công nghệ để nâng cao trải nghiệm của khách hàng và nhằm tạo lợi thế trong thời buổi cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn đang trở nên gay gắt.
Ngoài ra, với sự phổ biến ngày càng rộng của mạng lưới Internet và thiết bị thông minh, hoạt động tiếp thị đang ngày càng đa dạng, đặc biệt là ứng dụng công nghệ trong truyền thông quảng bá và quảng bá trên môi trường số.
"Cùng với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, vấn đề an toàn dữ liệu, tấn công virus, rò rỉ dữ liệu đã trở thành một mối quan tâm lớn của các chủ khách sạn trên toàn cầu. Dữ liệu khách hàng là rất quan trọng. Việc rò rỉ dữ liệu khách hàng có thể làm hình ảnh của khách sạn bị ảnh hưởng" - bà Bùi Thị Ngọc Hiếu cho hay.
Cùng với sự phát triển của việc ứng dụng khoa học công nghệ trong doanh nghiệp, công tác quản lý Nhà nước về khách sạn trong thời đại số cũng đòi hỏi những thay đổi phù hợp để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu cũng đặt kỳ vọng, thời gian tới Sở Du lịch TPHCM có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp trong công tác quảng bá thương hiệu trở lại với người tiêu dùng với chi phí thấp nhất; cũng như tạo ra thói quen cho người tiêu dùng trong giao dịch trực tuyến và tiếp tục duy trì, phát triển bền vững trong điều kiện thích ứng an toàn với COVID-19 của ngành du lịch.