Vậy nên, theo ông, không nên bắt buộc, mà khơi gợi tình yêu, lòng ham mê đọc sách một cách tự nhiên ở trẻ từ thuở ấu thơ.
"Làm gì để tạo thói quen đọc sách cho trẻ?" là nội dung chính của buổi tọa đàm do Sở Thông tin Truyền thông phối hợp cùng Hội Xuất bản Việt Nam và Báo Tuổi Trẻ tổ chức vào sáng 19.4 tại TPHCM nhằm tạo dựng thói quen đọc sách cho trẻ nhỏ, góp phần phát triển văn hóa đọc.

Buổi tọa đàm có sự tham gia của hơn 20 tham luận, đến từ các đơn vị xuất bản, thư viện và giáo dục với nhiều nội dung khác nhau.
Theo số liệu của Cục Xuất bản Việt Nam, trong 3 năm gần đây, bình quân mỗi năm Việt Nam xuất bản chưa tới 400 triệu bản sách, chia trên 90 triệu dân, bình quân 4 đầu sách/người. Nhưng nếu phân tích sâu hơn thì số lượng sách giáo khoa, giáo trình là sách công cụ để học tập là trên 300.000.000 bản chiếm 80% trong tổng số 400 triệu bản trên.
Số lượng học sinh cấp 1, 2, 3 có khoảng 22 triệu học sinh trên cả nước trên tổng số 90 triệu dân. Như vậy, số bản sách còn lại gần 100.000.000 bản dành cho trên 90 triệu dân sẽ phân bổ khoảng 1 đầu sách/người/năm.

Như thế thì văn hóa đọc của người Việt Nam quá thấp. Theo ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, nguyên nhân mà ai cũng thấy chính là do đa số người Việt chúng ta không có thói quen đọc sách, một thói quen chưa được tạo dựng từ khi họ còn bé.
Nói như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong bài tham luận gửi về cho ban tổ chức tọa đàm: “Giúi cuốn sách vào tay một đứa trẻ mười bốn, mười lăm tuổi trước nay suốt ngày chỉ quen cắm mắt vào game trên máy tính, ép em đọc, vì những lý do cao cả “khám phá kho báu tri thức” hay “nâng cao văn hóa đọc” như người lớn vẫn hay nói là một việc quá muộn màng, vì vậy quá nhọc nhằn, giống như ép một người chuyển máy bay khi máy bay đang ở trên không”.
Hầu hết các tham luận đều thống nhất kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng chương trình học có tiết/giờ đọc sách chính thức áp dụng cho tất cả trường tiểu học phổ thông trên cả nước. Bên cạnh đó, hệ thống thư viện nên tăng cường đầu sách hay và ứng dụng công nghệ mới gây hứng thú cho học sinh.

Ngoài ra, việc hình thành một danh mục sách khuyến đọc phù hợp cho từng độ tuổi, từng lớp học, việc đưa ra phương pháp xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ, những hoạt động thiện nguyện mang sách hay về cho học sinh tiểu học ở những vùng khó khăn xa xôi cũng là những tiếng nói góp phần làm cho bức tranh văn hoá đọc sáng lên trong cuộc toạ đàm này.