Kinh nghiệm chống dịch nhìn từ Bình Dương
Đầu tháng 12.2021, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cùng Tỉnh Bình Dương tổ chức hội thảo trực tuyến về ''Thích ứng an toàn, linh hoạt và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương''.
Theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhận định, Bình Dương là tỉnh kinh tế trọng điểm phát triển năng động của phía Nam. Thời gian qua, tỉnh chịu tác động rất nghiêm trọng bởi đợt dịch thứ 4, hiện nay cơ bản khống chế được dịch bệnh, bước vào giai đoạn khôi phục phát triển kinh tế xã hội. Những giải pháp trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế xã hội của Bình Dương có thể là kinh nghiệm và động lực cho các tỉnh thành khác.
Phát biểu tham luận tại hội thảo, nhiều đại biểu đánh giá các giải pháp của tỉnh Bình Dương là linh động, kịp thời, phù hợp với thực tiễn. Trong phòng chống dịch, ở thời điểm dịch bùng phát mạnh (từ tháng 6,7,8.2021), tỉnh linh động thực hiện các biện pháp xét nghiệm, cách ly, điều trị, vaccine, xây dựng trạm y tế lưu động đưa y tế về cơ sở và tổ chức tổ COVID cộng đồng hỗ trợ F0 điều trị.
Khi vaccine được bao phủ (qua tháng 9,10.2021), tỉnh chuyển trạng thái từ phòng dịch sang thích ứng an toàn linh hoạt với dịch. Từ việc nhanh chóng mở bệnh viện dã chiến để cách ly điều trị số lượng lớn F0. Sau khi phủ vaccine đã linh động cơ cấu lại các bệnh viện, chuyển bệnh viện dã chiến thành các phòng khám đa khoa trong các khu công nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp.
Song song với quá trình phòng dịch, Bình Dương hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất tỉnh thường xuyên tiếp xúc với chủ đầu tư. Từ đó kịp thời cởi các "nút thắt" trong quy định phòng dịch tạo thuận lợi cho doanh nghiệp từng bước mở cửa hoạt động lại và ''tăng tốc'' sản xuất khôi phục kinh tế.
Một số kinh nghiệm trong quản lý cụ thể đã được rút ra như tỉnh Bình Dương ưu tiên và đẩy mạnh tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho lực lượng sản xuất để người lao động và doanh nghiệp yên tâm trở lại sản xuất. Gỡ bỏ chốt kiểm soát phòng dịch kịp thời để hàng hóa được vận chuyển thông suốt. Trao quyền chủ động phòng dịch cho doanh nghiệp, cho phép doanh nghiệp tự tổ chức xét nghiệm nhanh và cấp giấy xác nhận âm tính cho người lao động đã đẩy nhanh quá trình đưa nguồn lao động "xanh" vào nhà máy. Bằng các giải pháp linh động, đến nay trên 85% doanh nghiệp của tỉnh Bình Dương đã khôi phục sản xuất. Báo cáo kinh tế cho thấy, sản xuất công nghiệp vẫn tăng trưởng, vốn FDI vào Bình Dương tăng.
Giữ được đà tăng trưởng, đóng góp cho ngân sách Nhà nước
Kết thúc năm 2021, UBND tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh đã cơ bản khống chế được dịch bệnh, đến nay các hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế xã hội dần được khôi phục.
Đáng chú ý, các chỉ số phát triển kinh tế đạt được kết quả khả quan, tiếp tục là động lực phát triển cho năm 2022. Theo UBND tỉnh Bình Dương, thu hút đầu tư đạt kết quả ngoài mong đợi, tỉnh đã thu hút được 2,069 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (vượt 14,9% kế hoạch của năm).
Năm nay, tổng sản phẩm trong tỉnh ước tăng 2,62%, thu nhập bình quân đầu người vẫn đạt 152,25 triệu đồng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,5% so với năm trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tăng 3,4%. Kim ngạch xuất khẩu ước tăng 13,5%, nhập khẩu tăng 14,7%, thặng dư thương mại của tỉnh đạt 6,8 tỷ đô la Mỹ. Đáng chú ý tổng thu ngân sách ước đạt 61.200 tỉ đồng, đạt 104% (trong đó thu nội địa là 42.700 tỉ đồng, thu thuế xuất nhập khẩu là 18.500 tỉ đồng).