Chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp
Bình Dương là tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19 đợt thứ 4. Vào tháng 7.2021 chỉ còn khoảng 3.000 doanh nghiệp duy trì sản xuất được bằng phương án "3 tại chỗ" hoặc "một cung đường 2 điểm đến", hầu hết các doanh nghiệp khác phải tạm ngưng sản xuất, đóng cửa phòng dịch suốt 3 tháng liền.
Việc sản xuất bị đình trệ khiến doanh nghiệp bị giảm năng suất, chậm đơn hàng, thậm chí có nguy cơ mất các hợp đồng cho năm 2021. Các công ty duy trì sản xuất, đa số cũng tăng chi phí, hoạt động cầm chừng. Trong bối cảnh đó, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã thực hiện nhiều cuộc tiếp xúc với chủ các doanh nghiệp để hiểu, chia sẻ và tháo gỡ các khó khăn do dịch bệnh gây ra để khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế.
Ở thời điểm dịch bùng phát mạnh (từ tháng 8.9.2021), tỉnh tập trung phòng chống dịch, tỉnh linh động thực hiện các biện pháp xét nghiệm, cách ly, điều trị cho người dân và người lao động. Ưu tiên vaccine lực lượng sản xuất, xây dựng trạm y tế lưu động đưa y tế về cơ sở và tổ chức tổ COVID cộng đồng hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp trong phòng dịch.

Khi vaccine được bao phủ (qua tháng 10, 11.2021), tỉnh chuyển trạng thái từ phòng dịch sang thích ứng an toàn linh hoạt với dịch. Từ việc nhanh chóng mở bệnh viện dã chiến để cách ly điều trị số lượng lớn F0. Sau khi phủ vaccine đã linh động cơ cấu lại các bệnh viện, chuyển bệnh viện dã chiến thành các phòng khám đa khoa trong các khu công nghiệp để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp.
Chính quyền Bình Dương cũng đã kịp thời cởi các "nút thắt" trong quy định phòng dịch tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Cụ thể, tỉnh ưu tiên và đẩy mạnh tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho lực lượng sản xuất. Gỡ bỏ chốt kiểm soát phòng dịch kịp thời để hàng hóa được vận chuyển thông suốt. Trao quyền chủ động phòng dịch cho doanh nghiệp, tự test nhanh, lựa chọn phương án sản xuất...
Đến nay, hầu hết doanh nghiệp ở Bình Dương đã tái hoạt động sau đợt dịch thứ 4 và hồi phục mạnh mẽ.
Kinh tế phát triển những tháng cuối năm
Với việc thực hiện đồng bộ giữa phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất và tái sản xuất, tỉnh Bình Dương đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Hầu hết các hoạt động của đời sống xã hội, sản xuất kinh doanh đã phục hồi.
Những tháng cuối năm 2021, hầu hết các doanh nghiệp bị ảnh hưởng đợt dịch thứ 4 đã trở lại hoạt động. Trong các nhà máy, công nhân tất bật sản xuất. Hàng hóa thông quan, thuận lợi xuất khẩu. Các đơn hàng đã trở lại, doanh nghiệp tuyển thêm lao động tăng tốc sản xuất cho kịp các hợp đồng.

UBND tỉnh Bình Dương cho biết, kết thúc năm 2021, tổng sản phẩm trong tỉnh ước tăng 2,62%, thu nhập bình quân đầu người vẫn đạt 152,25 triệu đồng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,5% so với năm trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tăng 3,4%. Kim ngạch xuất khẩu ước tăng 13,5%, nhập khẩu tăng 14,7%, thặng dư thương mại của tỉnh đạt 6,8 tỷ đô la Mỹ…
Cảm ơn doanh nghiệp đã "đồng cam cộng khổ"!
Theo UBND tỉnh Bình Dương, những kết quả đạt được là sự tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp đầu tư trong nước, các Hiệp hội ngành hàng trên địa bàn tỉnh. Tại hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp cuối tháng 12.2021, ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương ghi nhận và cảm ơn các doanh nghiệp, Hiệp hội đã thấu hiểu, chia sẻ và "đồng cam cộng khổ" cùng chính quyền, thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch. Chính sự nỗ lực của các doanh nghiệp, Hiệp hội đã góp phần cùng tỉnh đảm bảo "mục tiêu kép", vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã thể hiện tinh thần "tương thân tương ái", cùng chung tay góp sức, tham gia tích cực trong việc hỗ trợ người lao động, nhân dân trên địa bàn tỉnh vượt qua khó khăn do dịch bệnh.