Trao quyền chủ động cho doanh nghiệp mở cửa hoạt động
Đầu tháng 10.2021, tỉnh Bình Dương cho phép các doanh nghiệp mở cửa hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo quy định, doanh nghiệp có thể chọn một trong ba phương án sản xuất gồm “3 tại chỗ, 3 xanh và 3 tại chỗ linh hoạt”. Dù làm theo phương án nào thì doanh nghiệp cũng phải lập cả một hệ thống hồ sơ phòng dịch, rồi trình nộp các cơ quan có thẩm quyền. Sau đó, các đơn vị liên quan xem xét hồ sơ, nếu chưa đủ thì trả lại, đủ rồi mới tổ chức thẩm định, lấy ý kiến. Đáng chú ý, doanh nghiệp ngoài cụm, khu công nghiệp đều bày tỏ lo ngại, quá trình làm hồ sơ và thẩm định sẽ thêm thủ tục hành chính. Đó là chưa kể những khó khăn trong quá trình nhập nguyên vật liệu, vận chuyển hàng hóa... sẽ làm chậm việc tái sản xuất của doanh nghiệp. Việc này đồng nghĩa với việc công nhân lao động tiếp tục không có việc làm, lại rơi vào khó khăn.

Để tháo gỡ vấn đề trên, ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - cùng thành viên UBND liên tục có các cuộc gặp gỡ trao đổi để nắm bắt mong muốn của doanh nghiệp. Ông Võ Văn Minh đã có chỉ đạo gỡ khó cho doanh nghiệp. Trước hết thống nhất, doanh nghiệp hoạt động ở khu công nghiệp do Ban quản lý KCN chịu trách nhiệm, ở cụm công nghiệp do Sở Công Thương chịu trách nhiệm, ở ngoài khu và ngoài cụm do UBND cấp huyện chịu trách nhiệm. Việc giải quyết nhanh hay chậm, thẩm định ra sao là thuộc thẩm quyền của đơn vị được giao địa bàn.
Ông Võ Văn Minh yêu cầu các đơn vị thông báo đến doanh nghiệp: Khi đăng ký hoạt động theo mô hình 3 xanh thì phải xây dựng phương án hoạt động kèm phương án chống dịch gửi cho cơ quan chức năng. Sau đó, doanh nghiệp hoạt động, cơ quan chức năng sẽ hậu kiểm. Đối với những doanh nghiệp có quy mô lớn, số lao động nhiều, làm việc môi trường máy lạnh... thì quan tâm hậu kiểm sớm nhất có thể.
Ghi nhận thực tế, các địa phương Bến Cát, Thủ Dầu Một, Tân Uyên, Thuận An, Dĩ An... đang ưu tiên việc kiểm tra và hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức phòng dịch tổ chức tái sản xuất. Việc kiểm tra trên tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức phòng dịch chặt chẽ, tốt hơn để bảo vệ sức khỏe người lao động và duy trì hoạt động nhà máy khi tái sản xuất.
Xử lý kịp thời nếu dịch bệnh xảy ra
Tỉnh Bình Dương cũng cho phép doanh nghiệp tự tổ chức test nhanh COVID-19 và cấp giấy xác nhận âm tính cho người lao động. Đáng chú ý, kết quả xét nghiệm này người lao động có thể sử dụng để lưu thông trên đường. Việc này đã giảm chi phí, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người lao động lưu thông, sản xuất.

Theo ông Võ Văn Minh, khi doanh nghiệp đã hoạt động, nếu phát hiện có F0, các đơn vị phải kịp thời cử đội phản ứng nhanh xử lý các ca F0 phát sinh. Trong vòng 30 phút khi nhận thông tin có ca F0 phải cử người đến điều phối xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, triển khai xây dựng "pháo đài xanh" tại các nhà trọ xanh. Xây dựng kế hoạch xử lý các ca F0 ở nhà trọ nhanh nhất có thể và giao cho UBND cấp huyện phụ trách. Cùng với các địa phương, Ban Quản lý KCN và Sở Công Thương tiếp tục củng cố các Trạm Y tế lưu động để hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký sản xuất khi phát sinh yếu tố dịch bệnh.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cũng khẳng định sẽ ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho lực lượng sản xuất, kể cả lực lượng nhà thầu của doanh nghiệp, sớm bao phủ 2 mũi tiên cho toàn bộ người lao động. Việc này tạo sự an tâm cho doanh nghiệp, người lao động để tập trung phục hồi sản xuất.