Năm 2014, Quân bắt đầu với công việc đầu bếp với mức lương ổn định tại một nhà hàng lớn. Nhưng chỉ sau một thời gian, nhận thấy không phù hợp và công việc này khó phát triển, anh quyết định trở về quê để tìm hướng đi cho riêng mình.

Nhận thấy điều kiện tự nhiên ở quê hương có nhiều thế mạnh để phát triển chăn nuôi, Quân đã đầu tư hơn 30 triệu đồng xây chuồng nuôi vịt. Vì chưa nắm vững kỹ thuật, Quân đã thất bại ngay trong lứa vịt đầu tiên do dịch bệnh. Không nản lòng, Quân tự tìm tòi và đi ra các tỉnh phía Bắc để học hỏi.
“Tôi phát hiện ở những vùng đồi núi, người ta đầu tư mở trang trại nuôi gà để tận dụng nguồn thức ăn sẵn có và ít bị dịch bệnh. Điều này rất phù hợp với địa hình, thời tiết ở Hiệp Hòa, tôi bắt đầu tập trung vào học tập kỹ thuật chăn nuôi gà để về quê mở trang trại” – anh Quân nói.
Nghĩ là làm, cuối năm 2015, hội ý với gia đình, anh quyết định vay 300 triệu đồng để nuôi gà theo hướng trang trại. Nhờ nắm vững kỹ thuật, ngay lứa gà thử nghiệm đầu tiên với 200 con đã mang lại hiệu quả. Quân bắt đầu mở rộng quy mô chuồng trại để nuôi gà với số lượng lớn. Giống gà được lựa chọn là gà mía Sơn Tây chống chọi tốt với dịch bệnh, nhất là chất lượng thịt.

Ngoài thức ăn là bắp, lúa, Quân còn tận dụng điều kiện thời tiết thuận lợi nuôi trùn quế để làm thức ăn cho gà. Nhờ vậy, gà của anh phát triển rất tốt, chất lượng thịt rất được thị trường ưa chuộng.
“Cứ 3 tháng là gà có thể xuất bán, sau chi phí, trung bình mỗi năm thu về khoảng 300 triệu đồng” – anh Quân chia sẻ.
Với tuổi đời còn quá trẻ nên chưa có nhiều vốn để đầu tư. Hơn nữa, giá gà xuất bán chưa cao nên rất khó để xoay vòng vốn nhanh. Dù đã nuôi hết công suất nhưng số lượng gà không đủ cung ứng cho thị trường. Thêm nữa, giá bán trùn quế là 70 nghìn đồng/kg, cứ mỗi tháng xuất khoảng 20 kg, trong khi phục vụ nuôi gà chỉ bán với giá 100 nghìn/kg thịt, không đem lại hiệu quả cao nhất.
“Sắp tới, để khắc phục lại những nhược điểm đó, với số lợi nhuận, tôi dùng để mở rộng diện tích trang trại và mở thêm xưởng sơ chế gà để cung cấp thịt trực tiếp cho thị trường. Cùng với đó, để phát huy hết hiệu quả của trùn quế, phương án xây ao nuôi cá chình cũng sẽ được đầu tư tạo thành liên kết Vườn – Ao – Chuồng. Nếu thuận lợi, trong vòng 3 năm, mô hình này sẽ đem lại hiệu quả cao nhất…” – anh Quân tâm sự.
Anh Trần Văn Công – Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp Hòa cho biết: “Tuy tuổi đời còn khá trẻ nhưng Lê Sơn Quân là người dám nghĩ dám làm, biết tận dụng những điều kiện sẵn có ở địa phương kết hợp với hướng đi sáng tạo để đem lại hiệu quả kinh tế cao. Thành công của Quân đã tạo động lực cho nhiều nông dân địa phương tư duy sáng tạo và làm giàu từ mảnh đất quê hương”.