Sản phẩm từ đất độc đáo này được các lò gốm ở xã Tân Vĩnh Hiệp, thị xã Tân Uyên, Bình Dương sản xuất. Đất sét được nhào nặn đổ vào các khuôn phơi ngoài trời nắng khoảng 3 giờ, chờ đông cứng rồi đưa vào lò nung liên tục từ 10 đến 12 giờ.

Chị Lê Thị Tuyết (35 tuổi), chủ lò gốm làm heo đất ở thị xã Tân Uyên cho biết, ngày thường thì cơ sở làm 1.000 heo đất, ngày giáp Tết cơ sở tăng lên 1.500 heo mới đáp ứng nhu cầu thị trường.
Theo chị Tuyết, khi heo đất ra lò được các hộ trong làng nghề truyền thống ở phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An nhập về trang trí màu sắc, thổi hồn Tết cổ truyền.
Những chú heo đất có nhiều kiểu dáng, màu sắc khác nhau. Có chú heo dũng mãnh mang trên mình hai chữ “tài-lộc”, có những heo nái biểu tượng cho sự sinh sôi nảy nở, gia đình sum vầy.
Những sản phẩm heo đất vừa chưng vừa bỏ tiền tiết kiệm độc đáo này được thương lái săn tìm phân phối đến các cửa hàng tại Bình Dương, TP. HCM bán cho khách hàng với giá từ từ 40 ngàn đồng trở lên. Thậm chí các thương lái còn đưa hàng sang Campuchia.
Tại cơ sở trang trí heo đất ở phường Lái Thiêu, những ngày cuối tháng 12.2018, anh Nguyễn Trung Tâm (27 tuổi) cùng hàng chục thợ đang hối hả làm cho kịp các đơn đặt hàng.

Anh Tâm kể, mỗi ngày, cơ sở hoàn thành hơn 1.000 sản phẩm, thợ tăng ca có hôm tới 23g đêm, heo đất thành phẩm là thương lái đến lấy đi ngay sau đó.
Theo anh Tâm, năm nay là năm Kỷ Hợi, nên nhu cầu về heo đất tăng cao hơn. Các mẫu mã, kiểu dáng về heo cũng được thực hiện đa dạng hơn. Heo đất được thiết kế kiểu phù hợp với giới trẻ và những chú heo được làm để chưng mang ý nghĩa may mắn, sum vầy, như ý.




Khi heo đất thành hình sẽ được gỡ ra.







Heo đất được sơn vẽ thổi màu Tết cổ truyền.







Mỗi ngày ngày, cơ sở anh Tâm hoàn thành hơn 1.000 sản phẩm.
