Làng chài nghèo “lên đời” nhờ du lịch

Nguyễn Tri |

Vài năm trở lại, Quy Nhơn nổi lên như một điểm đến thú vị với hàng chục hòn đảo lớn nhỏ cách không xa đất liền. Những Kỳ Co, Eo Gió, Hòn Khô... giúp hàng trăm người dân xã biển Nhơn Lý (TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) “đổi đời” nhờ du lịch biển. Từ những ngư dân bám biển kiếm ăn qua ngày họ trở thành những ông chủ, bà chủ của những tour du lịch trải nghiệm đậm “chất” dân dã của miền biển.

“Làm biển khốn khó, nhưng phải giữ lấy biển”

Bây giờ, trung tâm TP. Quy Nhơn nối với Bán đảo Phương Mai bằng những con đường nhựa rộng rãi, thẳng tắp chứ không còn khó khăn như trước. Từ trung tâm thành phố, qua cây cầu Thị Nại đầy nắng và gió, chỉ mất khoảng 20 – 30 phút chạy xe máy, khách du lịch có thể tìm đến xã biển Nhơn Lý.

Nằm nép mình bên những khu nghỉ dưỡng đồ sộ, xã biển Nhơn Lý hiện lên với những ngôi nhà cao tầng dựa mình bên những quả núi thấp, san sát nhau, ngoảnh mặt ra biển. Đường sá được mở rộng, quán sá, homestay, khách sạn mọc lên với các biển hiệu xanh đỏ, Nhơn Lý đang trở mình để trở thành một làng biển du lịch.

Muốn nhìn thấy diện mạo của xã biển nghèo nhất nhì TP. Quy Nhơn ngày trước, phải đi vào sâu trong xã biển, với những con hẻm nhỏ chỉ vừa hai chiếc xe máy, những con dốc cao dựng đứng, những ngôi nhà mái ngói “lùn tịt” nằm chen chúc san sát.

Trong tâm trí ông Trần Đình Tùng (59 tuổi, thôn Lý Hưng, xã Nhơn Lý) vẫn in đậm hình ảnh của những ngày làng biển này chỉ là một vùng quê nghèo, nhà cửa lụp xụp, cơm không đủ ăn, bữa chính là khoai, sắn và nồi cá vụn kho mặn chát.

Cuộc sống người dân vô cùng khó khăn, kinh tế phụ thuộc vào những chuyến đi biển của cánh đàn ông, phụ nữ hầu như không có việc làm, chỉ đến khi tàu cập bến mới gánh cá, tôm đi bộ hàng chục km để bán, kiếm tiền đổi gạo, khoai.

“Khoảng 20 năm trước làm gì có đường sá, nhà cửa khang trang như thế này, mọi người muốn đi lại, giao lưu với bên ngoài đều phải đi thuyền. Vào thời điểm đó, nơi đây gần như tách biệt với thế giới bên ngoài”- ông Tùng bồi hồi nhớ lại.

Thế nhưng, mọi chuyện thay đổi hoàn toàn khi năm 2000, cầu Thị Nại bắc qua đầm Thị Nại được nhà nước quan tâm đầu tư, xây dựng dài gần 7km, nối liền TP. Quy Nhơn với bán đảo Phương Mai. Từ đó, cuộc sống của người dân ở bán đảo Phương Mai nói chung và xã Nhơn Lý nói riêng đã bước sang một trang mới. Những khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi, biệt thự... bắt đầu mọc lên thay thế những đồi cát trắng dài cả mấy chục km. "Ngày trước, xã biển Nhơn Lý này cũng suýt bị giải tỏa để xây khu du lịch. Nhưng tụi tui không chịu, dân quyết tâm bám đất, bám biển. Bao đời nay, tổ tiên, gia đình chúng tôi đã ở đây, những chuyến biển đã nuôi lớn những người con xứ này. Dù làm biển khốn khó nhưng vẫn phải giữ lấy biển” – ông Tùng kể.

Nhơn Lý được trời phú cho khung cảnh thiên nhiên đầy ấn tượng với biển xanh, bờ cát dài nép mình bên những vách đá, những hòn đảo gần bờ với vẻ đẹp hoang dã chờ đợi con người khám phá.

Với điều kiện giao thông thuận lợi, lượng khách đổ về du lịch ở đây ngày một nhiều. Chỉ trong năm 2017, trên 135.000 lượt khách trong và ngoài nước đến Nhơn Lý đến tham quan, du lịch. Xã biển nghèo ngày càng “thay da đổi thịt”. Những ngư dân trước đây chỉ quanh năm bám biển đã tập tành làm du lịch.

Những ngư dân làm tour chuyên nghiệp

Mấy năm trước, ông Mai Xuân Trung (60 tuổi, thôn Lý Lương) vẫn ngày ngày ra khơi bám biển với tàu cá công suất nhỏ như mọi người dân xứ này. Nhưng nghề biển phập phù như con nước, bình thường thì cũng chỉ đủ xoay xở, đến mùa biển động thì đành “bó gối”, gia đình 8 miệng ăn phải chạy ăn từng bữa.

Từ đầu năm 2015, khi du lịch ở Bán đảo Phương Mai phát triển với những khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi..., du khách bắt đầu đổ về Nhơn Lý. Vợ chồng ông Trung bàn nhau “làm liều” mở tour đưa du khách tham quan. Ban đầu, ông Trung cải hoán tàu cá làm tàu du lịch, dẫn khách đi tham quan Eo Gió, Kỳ Co, Hòn Khô..., thưởng thức hải sản tươi ngon của địa phương.

“Ngày đầu mới làm thì cái gì cũng sợ khách chê, phần vì nói năng lóng ngóng, phần vì không chuyên nghiệp. Nhưng cái kiểu “quê rề” như vậy nên cũng nhiều khách thích, nhiều người quay lại thăm quan, giới thiệu cho bạn bè sử dụng dịch vụ nên tour của tui ngày càng “nổi tiếng” – ông Trung nhớ lại.

Lượng khách ngày một đông, ông Trung mạnh dạn đầu tư ca nô, xây nhà hàng rộng rãi để phục vụ du khách ẩm thực miền biển. Lúc đầu, cả gia đình 4 người cùng chung tay làm, nhưng giờ, phải thuê thêm người cũng không kịp việc.

Ở Nhơn Lý, những hộ ngư dân làm du lịch tay ngang không hề hiếm, những tàu cá được cải hoán thành tàu chở khách, đội ca nô du lịch của xã ngày càng nhiều lên, những chuyến biển không vật lộn với biển cả để mưu sinh mà để du khách thư thái câu cá, câu mực. Bằng nghề biển, bằng sự chân chất, hiền hòa, bằng vẻ đẹp hoang sơ mà đầy mê hoặc của nơi đây, những người dân Nhơn Lý đang “đổi đời” nhờ du lịch.

Ông Nguyễn Thành Danh – Phó chủ tịch UBND xã Nhơn Lý cho hay, hiện, toàn xã có 549 hộ gia đình đang hoạt động du lịch. Lượng khách tham quan đến Nhơn Lý trong 8 tháng đầu năm ước đạt khoảng 310 nghìn lượt người, tăng 85 nghìn lượt người so với năm ngoái.

Năm 2015, xã Nhơn Lý chỉ thu được 75 triệu đồng nhưng đến năm 2017 đã thu khoảng 6,7 tỷ. Hiện, toàn xã có khoảng 50 ca nô chở khách với 200 lao động hưởng lương từ 5 – 7 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, có khoảng 20 nhà hàng lớn đang hoạt động với khoảng 400 nhân viên, 6 nhà nghỉ phục vụ hoạt động lưu trú và nhiều cơ sở bán hàng lưu niệm và đặc sản truyền thống của địa phương...

“Hiện, UBND tỉnh đang quy hoạch Nhơn Lý thành khu bảo tồn kiến trúc văn hóa làng chài để phát triển du lịch cộng đồng. Nhờ du lịch, đời sống của bà con nơi đây ngày một khởi sắc. Từ một xã biển nghèo, đến này, kinh tế của xã có sự phát triển vượt bậc, toàn xã chỉ còn 25 hộ nghèo” – ông Danh hồ hởi cho biết thêm.

Nguyễn Tri
TIN LIÊN QUAN

Tấp nập làng nghề lồng đèn ở Sài Gòn dịp trung thu

Thạch Nam |

Làng lồng đèn giấy kiếng Phú Bình, quận 11, TPHCM được hình thành vào giữa thập niên 50 của thế kỷ trước, do một nhóm người dân Nam Định vào Sài Gòn lập nghiệp cho đến bây giờ. Đến hẹn lại lên, những ngày này, nghệ nhân tại làng Phú Bình lại bận rộn hẳn lên bên cái khuôn, thanh tre và những tấm giấy kiếng để tạo thành những chiếc lồng đèn phục vụ ngày rằm tháng 8 sắp đến.

Công nhân thời vụ bế tắc khi bị nợ tiền công

THÙY TRANG |

Gần một tháng qua, hàng chục công nhân thuộc các tổ thi công công trình Trung tâm Thương mại Hòa Bình Green (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) cố bám trụ, mòn mỏi đợi tiền công. Hơn 2 tháng trước, họ bất ngờ được thông báo công trình ngừng thi công, chủ thầu thì phủi tay thông báo “hết tiền chi trả” theo hợp đồng. Nhiều anh em tổ đội trưởng các nhóm thi công phải cắm sổ đỏ, máy móc để lo cơm từng bữa.

Rước các bệnh truyền nhiễm từ thịt chó, mèo

KIM ĐỒNG |

Bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo là tránh nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như virus dại, rối loạn đông máu, bệnh xoắn khuẩn, bệnh tả (những căn bệnh đe dọa người giết mổ, vận chuyển, tiếp xúc và ăn thịt chó, mèo)…

Hành trình ngàn cây số và gần nửa thế kỷ nổi trôi của một làng nghề

BẢO TRUNG |

Trải qua hơn 40 năm hình thành và phát triển, đẩy mắt nhìn lại, không ít người dân ở đây vẫn còn đó những nỗi niềm, trăn trở và nghĩ suy với cái nghề đưa họ đi qua những tháng năm hàn vi, cơ cực...

Tấp nập làng nghề lồng đèn ở Sài Gòn dịp trung thu

Thạch Nam |

Làng lồng đèn giấy kiếng Phú Bình, quận 11, TPHCM được hình thành vào giữa thập niên 50 của thế kỷ trước, do một nhóm người dân Nam Định vào Sài Gòn lập nghiệp cho đến bây giờ. Đến hẹn lại lên, những ngày này, nghệ nhân tại làng Phú Bình lại bận rộn hẳn lên bên cái khuôn, thanh tre và những tấm giấy kiếng để tạo thành những chiếc lồng đèn phục vụ ngày rằm tháng 8 sắp đến.

Công nhân thời vụ bế tắc khi bị nợ tiền công

THÙY TRANG |

Gần một tháng qua, hàng chục công nhân thuộc các tổ thi công công trình Trung tâm Thương mại Hòa Bình Green (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) cố bám trụ, mòn mỏi đợi tiền công. Hơn 2 tháng trước, họ bất ngờ được thông báo công trình ngừng thi công, chủ thầu thì phủi tay thông báo “hết tiền chi trả” theo hợp đồng. Nhiều anh em tổ đội trưởng các nhóm thi công phải cắm sổ đỏ, máy móc để lo cơm từng bữa.

Rước các bệnh truyền nhiễm từ thịt chó, mèo

KIM ĐỒNG |

Bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo là tránh nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như virus dại, rối loạn đông máu, bệnh xoắn khuẩn, bệnh tả (những căn bệnh đe dọa người giết mổ, vận chuyển, tiếp xúc và ăn thịt chó, mèo)…

Hành trình ngàn cây số và gần nửa thế kỷ nổi trôi của một làng nghề

BẢO TRUNG |

Trải qua hơn 40 năm hình thành và phát triển, đẩy mắt nhìn lại, không ít người dân ở đây vẫn còn đó những nỗi niềm, trăn trở và nghĩ suy với cái nghề đưa họ đi qua những tháng năm hàn vi, cơ cực...