Loay hoay kiểm soát khí thải xe máy

MINH QUÂN-BÙI CHÂM |

Tính đến tháng 3.2018, cả nước hiện đang có 57 triệu xe máy đã đăng ký, mỗi ngày lại có thêm 9.000 xe máy đăng kí mới. Điều đó đồng nghĩa với việc thách thức về giao thông tại Việt Nam là rất lớn, ngoài ùn tắc và tai nạn giao thông thì hiện nay ô nhiễm môi trường từ giao thông đã tăng rất cao, nhất là ở Hà Nội và TPHCM. Thực tế, vấn đề kiểm soát khí thải xe máy đã được đặt ra trước đây, nhưng đến nay, các đơn vị có thẩm quyền vẫn chưa ban hành lộ trình áp dụng cũng như quy chuẩn cụ thể.


Ô nhiễm không khí tại TPHCM đang ở mức báo động

Theo một báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cuối năm 2017, kết quả quan trắc không khí trên địa bàn TPHCM tại 20 vị trí cho thấy, ô nhiễm chất lượng không khí chủ yếu là do bụi lơ lửng từ các hoạt động giao thông gây ra (hơn 72% số liệu bụi quan trắc tại 12 vị trí giao thông vượt tiêu chuẩn Việt Nam).

Theo các chuyên gia về môi trường, với số lượng xe gắn máy trên 7,5 triệu chiếc và gần 700.000 xe ôtô các loại ở TPHCM thì mỗi ngày thải ra một lượng rất lớn khói, bụi. Những khu vực có mức độ ô nhiễm cao thường đi kèm với mật độ giao thông đông đúc như khu vực: Ngã tư An Sương, khu vực ra vào cảng Cát Lái, đường Cộng Hòa, Trường Chinh, Nguyễn Hữu Thọ, ngã sáu Gò Vấp…

Anh Nguyễn Văn Minh, một người chạy xe ôm khu vực bến xe An Sương (Q.12), cho hay hít khói, ngửi bụi, nghe còi xe ù tai là chuyện thường ngày ở đây. “Chạy xe suốt ở ngoài đường, hít khói xe riết tối về bị ho lụ khụ hằng đêm”. Trưa 19.6, đường Cộng Hòa đoạn từ đường vòng xoay Lăng Cha Cả đến đường Trường Trinh dù giữa trưa nắng gắt nhưng trên đường luôn có một lớp khói bụi mờ ảo. Tại các giao lộ, khi xe cộ dừng đèn đỏ thì màn khói bụi đậm đặc hơn. Người đi xe máy, người dân buôn bán hai bên đường thường phải đeo khẩu trang kín mít. Bà Nguyễn Thị Lan (59 tuổi), vừa đeo khẩu trang vừa bán nước gần giao lộ Cộng Hòa – Trường Chinh, cho biết chịu ồn thì quen nhưng khói bụi xe cộ ngột ngạt thì phải đeo khẩu trang, không đeo chịu không thấu. Tại giao lộ Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh, ông Đoàn Văn Nam (63 tuổi), hành nghề xe ôm, chia sẻ: “Tôi chạy xe ôm nhiều năm qua quanh khu vực này, phải luôn mang khẩu trang, đeo kính. Mấy lần ho quá, đi khám bác sĩ nói bị bệnh hô hấp, chắc vì hít khói bụi xe”.

Đáng nói, tại các tuyến đường TPHCM, không ít xe máy lưu thông trên đường đều là xe cũ, trong đó xe “mù” xuất hiện rất nhiều, có xe chỉ còn trơ khung sườn nhưng chở hàng cồng kềnh và phóng nhanh giữa dòng xe xuôi ngược với tiếng động cơ nổ “lẹt bẹt”, khói đen nhả mù mịt. Đa số xe máy "quá đát" này do chủ các cửa hàng như gas, nước đá, vật liệu xây dựng mua lại để nhân viên chạy giao hàng, nếu không may bị CSGT thổi phạt thì sẵn sàng bỏ luôn xe.

Bên cạnh đó, hiện nay nhiều xe máy không được chủ sở hữu thực hiện nghiêm túc chế độ bảo hành, bảo dưỡng định kỳ, làm tăng lượng khí phát thải ra môi trường. Theo PGS.TS Nguyễn Lê Ninh - Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học - kỹ thuật - môi trường (Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM), các xe cũ thải ra khói đen dễ nhận biết, còn những xe thải ra bằng khói trắng thì không thấy được sự ô nhiễm. Ông Ninh cho biết, các dòng xe máy qua một thời gian sử dụng đều thải ra khí thải độc hại bất kể khói đen hay khói trắng. “Khí thải từ xăng dầu do xe cộ gây ra ảnh hưởng rất lớn đến đường hô hấp của người dân. Khí độc như CO (gây ngạt), khí NOx (gây ảnh hưởng đến giác mạc, hệ thần kinh hô hấp và tiêu hoá), hơi xăng dầu cháy không hết hoặc không kịp cháy CnHm (gây ung thư nội tạng), khí SO2, SO3 (gây tổn hại đường hô hấp và xâm thực các vật kiến trúc, thậm chí ảnh hưởng đến sức khoẻ của nam giới)” – ông Ninh – nói.

Thiếu chế tài

Trước tình hình ô nhiễm khói bụi xe tới mức báo động, Sở GTVT TPHCM mới đây đã đề xuất Bộ GTVT sớm trình Chính phủ ban hành quy định về kiểm tra khí thải xe máy đang lưu hành. Đồng thời, xây dựng lộ trình tăng dần tiêu chuẩn về kiểm tra khí thải đối với ô tô đang lưu hành để thành phố áp dụng. Trường hợp chưa thể ban hành quy định kiểm tra khí thải xe máy đang lưu hành trên cả nước, thì Bộ hướng dẫn thủ tục cần thiết để có thể thực hiện thí điểm tại TPHCM.

Thực tế, vấn đề không chỉ của riêng TPHCM mà của cả nước là thu hồi xe máy “quá đát” như thế nào, khi tới nay vẫn chưa có một chuẩn thống nhất cho niên hạn sử dụng với xe máy. Nói cách khác, xe máy ngoài lần đăng ký và cấp biển số đầu tiên, không chịu bất kỳ hình thức kiểm soát nào trong vài chục năm sử dụng, dù cũ nát, mất an toàn hay gây ô nhiễm.

Lý giải nguyên nhân đến nay vẫn chưa kiểm tra khí thải xe máy, đại diện Sở GTVT TPHCM cho rằng hiện nay, việc kiểm tra khí thải thực hiện theo Thông tư số 70/2015/TT-BGTVT quy định về kiểm định kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Tuy nhiên, theo quy định tại thông tư này thì mức tiêu chuẩn khí thải rất thấp và chỉ áp dụng được với ôtô đang lưu hành, còn tiêu chuẩn đối với xe máy thì chưa có. Trong khi đó, quy định tiêu chuẩn khí thải theo Quyết định số 49/2011 lại chỉ áp dụng đối với xe sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới chứ không phải đối với xe lưu thông trên đường.

Thực tế, vấn đề kiểm soát khí thải mô tô đã được đặt ra trước đây. Trước đó, năm 2010, Chính phủ đã phê duyệt Đề án kiểm soát khí thải xe máy tham gia giao thông tại các tỉnh, TP trên cả nước, với mục tiêu tới năm 2015 kiểm định đạt tiêu chuẩn khí thải 80 - 90% xe máy ở Hà Nội, TPHCM, và mở rộng cho 60% xe máy tại các TP loại 1, 2. Song đề án này đã không được thực hiện, nguyên nhân do xe máy liên quan đến nhiều tầng lớp xã hội, vấn đề kiểm soát được đánh giá là nhạy cảm, phức tạp và dễ đụng chạm. Cuối năm 2016, Bộ GTVT tiếp tục trình Chính phủ dự thảo về quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải với mô tô, xe gắn máy. Tuy nhiên, một lần nữa, dự thảo này đã tạm bị gác lại cũng với lý do đụng chạm đến một bộ phận lớn người dân nghèo, trong khi phương tiện công cộng chưa đủ để thay thế. 

Xe máy cũ nát vẫn lưu thông trên đường phố TPHCM. Ảnh: Minh Quân
Xe máy cũ nát vẫn lưu thông trên đường phố TPHCM. Ảnh: Minh Quân
Thu hồi xe máy "quá đát"

Theo PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, việc TPHCM xin làm thí điểm kiểm soát khí thải máy là rất khó vì chưa có các quy định chung, chuẩn chung làm cơ sở áp dụng hoặc vận dụng. Đặc biệt, khó khăn lớn nhất là từ phía người dân, chừng nào xe máy vẫn còn chạy được thì họ cứ chạy. Theo ông Nguyễn Lê Ninh, nên sớm áp dụng các biện pháp đăng kiểm và kiểm tra khí thải đối với xe máy. Theo đó, xe máy cũng phải đưa vào kiểm định định kỳ cả về độ an toàn và tiêu chuẩn khí thải, không chỉ xe cũ mà ngay cả xe mới nếu xuống cấp, không đáp ứng an toàn về khí thải cũng không cho sử dụng.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, đối với xe máy đã quá hạn sử dụng cần được nhà nước thu hồi lại với một giá chấp nhận được để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. “Những xe quá hạn đó cần phải nấu lại hoặc làm phế liệu, nhưng cần trả cho dân một giá thích hợp để yên lòng dân, vì theo quan niệm của dân, xe quá hạn đó vẫn còn sử dụng được. Mặt khác, tính theo giá trị sử dụng của xe. Xe mua với chi phí bao nhiêu, thời gian sử dụng đã thu hồi vốn rồi hay chưa? Nếu đã thu hồi vốn rồi thì nên giao lại cho nhà nước để tránh sinh ra khí thải” – ông Ninh đề xuất và cho rằng người dân nên hy sinh lợi ích cá nhân để vì cộng đồng.

Theo GS Lê Huy Bá (Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý môi trường, Đại học Công nghiệp TPHCM), chỉ kiểm soát khí thải xe máy thôi thì chưa đủ mà cần nhiều giải pháp đồng bộ, kể cả từ chính phía người dân. “Phải có giải pháp điều tiết giao thông sao cho thông thoáng hơn, không còn ùn tắc để giảm thời gian xe lưu thông trên đường, từ đó giảm lượng khói bụi thải vào không khí, giãn mật độ dân cư, hạn chế xe cộ vào nội ô” - GS Lê Huy Bá đề xuất. Với tình trạng như hiện nay, theo GS Lê Huy Bá, người dân khi đi đường cần tập thói quen ứng xử văn minh là đi có trật tự, dừng chờ đèn lâu thì tắt máy xe và hạn chế bấm còi xe... Bằng không vẫn sẽ chịu kẹt xe, chôn chân giữa đường, chẳng những “mình làm mình chịu” mà còn khổ lây người khác.  

MINH QUÂN-BÙI CHÂM
TIN LIÊN QUAN

Cẩn trọng với lời mời mua đất

LS Nguyễn Thị Thúy Hường |

Đầu tư vào bất động sản là một kênh được nhiều người lựa chọn vì có khả năng mang lại lợi nhuận cao. Tuy nhiên, không phải lúc nào kênh đầu tư này cũng đem lại lợi nhuận như mong muốn, mà trái lại còn khiến cho người đầu tư mất tiền. Có rất nhiều câu chuyện bị mất tiền đặt cọc hay mua đất nền của các dự án với giá cao hơn nhiều so với thực tế được chia sẻ trong thời gian gần đây khi mà người mua bị dẫn dụ bởi những chiêu thức tinh vi. Câu chuyện của anh A dưới đây là một ví dụ.

Kinh nghiệm ứng phó khi kẹt thang máy mà ai cũng phải biết

Trường Sơn |

Thang máy là phương tiện di chuyển chủ yếu tại các tòa cao ốc. Với tốc độ đô thị hóa, hiện nay trên cả nước hàng nghìn tòa cao ốc xuất hiện và thang máy lại càng trở nên quan trọng. Dưới đây là những chia sẻ của các chuyên gia giúp chúng ta ứng phó khi chẳng may trở thành nạn nhân trong các tình huống kẹt thang máy.

Làm gì để dân không còn ăn thịt heo nhiễm thuốc an thần?

Kim Đồng |

Trước hàng loạt  vụ heo tiêm thuốc an thần bị phát hiện gần đây đang khiến người dân cảm thấy lo ngại và không biết bao giờ mới thật sự có được những miếng thịt heo sạch để ăn?  Phóng viên Báo Lao Động đã trao đổi bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM (BQL ATTP). Bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết:

Cẩn trọng với lời mời mua đất

LS Nguyễn Thị Thúy Hường |

Đầu tư vào bất động sản là một kênh được nhiều người lựa chọn vì có khả năng mang lại lợi nhuận cao. Tuy nhiên, không phải lúc nào kênh đầu tư này cũng đem lại lợi nhuận như mong muốn, mà trái lại còn khiến cho người đầu tư mất tiền. Có rất nhiều câu chuyện bị mất tiền đặt cọc hay mua đất nền của các dự án với giá cao hơn nhiều so với thực tế được chia sẻ trong thời gian gần đây khi mà người mua bị dẫn dụ bởi những chiêu thức tinh vi. Câu chuyện của anh A dưới đây là một ví dụ.

Kinh nghiệm ứng phó khi kẹt thang máy mà ai cũng phải biết

Trường Sơn |

Thang máy là phương tiện di chuyển chủ yếu tại các tòa cao ốc. Với tốc độ đô thị hóa, hiện nay trên cả nước hàng nghìn tòa cao ốc xuất hiện và thang máy lại càng trở nên quan trọng. Dưới đây là những chia sẻ của các chuyên gia giúp chúng ta ứng phó khi chẳng may trở thành nạn nhân trong các tình huống kẹt thang máy.

Làm gì để dân không còn ăn thịt heo nhiễm thuốc an thần?

Kim Đồng |

Trước hàng loạt  vụ heo tiêm thuốc an thần bị phát hiện gần đây đang khiến người dân cảm thấy lo ngại và không biết bao giờ mới thật sự có được những miếng thịt heo sạch để ăn?  Phóng viên Báo Lao Động đã trao đổi bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM (BQL ATTP). Bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết: