Có tình trạng này là do nhiều NLĐ cần nhu cầu tài chính trước mắt nên buộc phải rút BHXH một lần. Đặc biệt, sau khi dịch COVID-19 bùng phát, nhiều NLĐ phải nghỉ việc nhưng đến nay vẫn chưa tìm được việc làm, trong lúc nhu cầu chi tiêu hằng ngày lại bức thiết, nên đã chấp nhận hi sinh quyền lợi lâu dài để rút BHXH một lần.
Ngoài ra, do thông tin về việc sửa đổi Luật BHXH sẽ giảm số năm đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống còn 15 năm, nên nhiều NLĐ e ngại điều kiện số năm được rút BHXH một lần cũng sẽ bị giảm theo từ 20 năm xuống còn 15 năm như những tin đồn gần đây nên đã vội đi rút BHXH một lần.
Thế nhưng, dù vì lý do gì, thì nhận BHXH một lần cũng là tình trạng “ăn lúa non” và NLĐ sẽ chịu nhiều thiệt thòi về lâu dài. Cụ thể, số tiền cả NLĐ và NSDLĐ đóng vào Quỹ BHXH một năm bằng 2,64 tháng lương, trong khi nếu nhận BHXH một lần, NLĐ chỉ nhận được số tiền tương ứng 1,5 tháng lương cho những năm đóng trước năm 2014 và 2 tháng lương cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi. Khi nhận BHXH một lần, thời gian đóng BHXH không được tính vào thời gian làm cơ sở để tính hưởng các chế độ BHXH khác.

Đồng thời, NLĐ sẽ mất cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng khi hết tuổi lao động hoặc nếu đủ điều kiện hưởng thì mức hưởng lương hưu thấp, do bị trừ đi thời gian đóng BHXH đã nhận một lần và phải sống phụ thuộc thậm chí là gánh nặng cho con cái, người thân.
Nhận BHXH một lần, NLĐ cũng mất cơ hội tham gia BHYT 5 năm liên tục để được hưởng quyền lợi với các dịch vụ y tế kỹ thuật cao và thuốc đắt tiền và không được cấp thẻ BHYT miễn phí (với mức hưởng 95% chi phí khám, chữa bệnh) trong suốt thời gian hưởng lương hưu để chăm sóc sức khoẻ.
Cuối cùng là thân nhân người đã nhận BHXH một lần sẽ không được hưởng trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất nếu người này không may qua đời. “NLĐ cần cân nhắc kỹ được và mất khi nhận BHXH một lần, tránh được lợi trước mắt mà thiệt thòi lâu dài”, BHXH TPHCM khuyến cáo.