“Bạn có biết địa chỉ một nhà trị liệu tâm lý nào không?” là một câu chuyện nhỏ trong quyển sách đầu tay “Sống như bạn đang ở sân bay” của nữ tác giả xinh đẹp Cúc T. Câu hỏi là một lời nhắn nhủ với độc giả phải luôn lắng nghe và chia sẻ nỗi buồn với một người có chuyên môn hoặc chỉ đơn giản là một người thấu hiểu lòng mình.
Cùng tham gia buổi giao lưu ra mắt sách của Cúc T, Anh Khang – tác giả trẻ của những quyển sách "triệu bản" chia sẻ: “Thời hiện đại dễ đưa con người vào trạng thái rối loạn lưỡng cực. Có nghĩa rằng, trầm cảm và hưng cảm luôn song hành cùng với nhau.
Đôi lúc những người trẻ tuổi như chúng ta hiện giờ bên ngoài cười rất vui những bên trong đang giấu một nỗi niềm không thể chia sẻ được. Cơn trầm cảm đến rồi đi một cách trống vắng, khiến chúng ta không nhận ra được rằng là mình đang có vấn đề”.
Anh Khang nhắc đến sự ra đi của nữ ca sĩ thần tượng Hàn Quốc – Sulli khi tuổi vẫn còn rất trẻ. Sulli tự kết thúc cuộc đời ở tuổi 25 vì rơi vào trầm cảm quá nặng, vì áp lực của công việc và vì chính áp lực của công chúng đặt lên.
“Trầm cảm có thể đến với mỗi người ở bất kì độ tuổi nào, bất kì công việc nào, bất kì địa vị nào và bất kể người đó bên ngoài đang vui cười rạng rỡ nhưng bên trong là một đại dương nước mắt mà họ phải giấu trong lòng mình”, Anh Khang bày tỏ.
Mỗi người đều có thể cho mình một lựa chọn để sống lạc quan, sống yêu đời, sống nhẹ nhàng hơn. Thừa nhận tâm hồn mình yếu đuối để từ đó cách li khỏi những tiêu cực, những ưu buồn cũng là cách để thu nhặt năng lượng tích cực, sống vui vẻ hơn với cuộc đời.
Cũng như Anh Khang chia sẻ, nỗi buồn trong cuộc sống có hình dung, trọng lượng và thể tích. Nếu chúng ta để nỗi buồn tích trữ thì trọng lượng, thể tích và hình dáng đó sẽ phình ra và chiếm trọn tất cả. Vì vậy, giải tỏa được nỗi buồn sẽ giúp lòng mình nhẹ nhàng hơn, từ đó chúng ta dễ dàng bước tiếp quãng đường còn rất dài, rất rộng và rất đẹp ở phía trước.