Vì đất mất tình anh em

LS Nguyễn Thị Thúy Hường |

Bà M có 3 người con 2 trai, một gái. Ly hôn với chồng từ khi các con còn nhỏ, bà M một mình nuôi dạy các con nên người. Vốn tháo vát lại siêng năng, nên bà tích luỹ được một số tài sản đáng giá, trong đó có 2000 m2 đất, gồm 700 m2 đất xây dựng và 1300 m2 là đất vườn. Bà cũng đã xây cất ngôi nhà khá khang trang trên phần đất 700 m2 để gia đình sinh sống.

Tham hết phần em

Sau khi cả 3 người con lập gia đình, bà M vẫn ở trong ngôi nhà trên mảnh đất 700 m2 cùng người con trai đầu. Hai người con còn lại, một con trai và cô con gái út thì ra ở riêng. Chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu như người con trai cả không đề nghị bà M chuyển quyền sở hữu ngôi nhà và quyền sử dụng đất 700 m2 sang cho anh. Anh nói do bà M đã trên 70 tuổi, nên để tránh tranh chấp, rắc rối sau này, tốt nhất là bà nên phân chia tài sản cho các con lấy vốn làm ăn. Lúc đầu bà M muốn lập di chúc, nhưng anh thuyết phục bà không nên lập di chúc, vì sau này các con phải khai nhận di sản, làm giấy tờ tốn thời gian, tiền bạc. Nghe cũng có lý nên bà M họp các con và tuyên bố căn nhà, phần đất 700 m2 sẽ cho người con  trai cả vì bà ở cùng với anh đến cuối đời.

Sau khi bà mất, anh có nghĩa vụ thờ cúng, duy trì bàn thờ tổ tiên, cũng như làm giỗ cho người đã khuất. Phần đất 1300 m2 bà sẽ cho hai người con còn lại. Thấy bà M nói cũng hợp lý, nên không ai có ý kiến gì. Sau khi thống nhất trong gia đình, người con trai cả sốt sắng đưa bà M đi làm thủ tục sang tên căn nhà và đất. Anh này còn thuyết phục bà M làm giấy uỷ quyền cho anh được quyền chuyển nhượng phần đất 1300 m2 đất vườn cho các em với lý do để bà M đỡ phải đi tới, đi lui làm thủ tục. Thấy con sốt sắng lo việc, nên bà M đồng ý đến phòng công chứng ký giấy uỷ quyền cho người con trai cả được quyền thay mặt bà tặng cho, chuyển nhượng đất cho bên thứ ba.

Sau khi đã sang tên được căn nhà và phần đất 700 m2 cho mình cũng như có giấy uỷ quyền của bà M, người con trai cả cứ chần chứ, lấy lý do bận việc để không chịu chuyển tên 1300 m2 đất vườn cho hai em dù hai họ nhiều lần thúc giục. Đồng thời, anh còn động viên 2 người em rằng trước sau gì phần đất 1300 m2 này cũng thuộc họ, chỉ là anh ta chưa có thời gian để làm thủ tục mà thôi. Tin anh, nên 2 người em cũng chờ đợi. Bỗng một ngày, họ được một người quen cho biết, phần đất 1300 m2 vườn đã được người anh cả chuyển nhượng cho người khác với giá 8 tỷ đồng. Quá ngỡ ngàng, 2 người em tức tốc đến gặp bà M và anh cả để hỏi rõ sự việc. Người anh cả thừa nhận sự việc, nói rằng do cần vốn làm ăn, nên anh bán đất của 2 em và xin lỗi họ. Anh ta cũng hứa hẹn là qua năm, khi công việc làm ăn thuận lợi, sẽ bồi thường cho 2 người em thoả đáng. Bất bình trước cách hành xử trên, bà M quyết định cùng hai con đến nhờ luật sư tư vấn để lấy lại phần đất trên.

Không tự nguyện trả tiền, thì phải ra tòa

Sau khi kiểm tra hồ sơ và giấy tờ, luật sư phân tích cho 3 mẹ con bà M biết yêu cầu của họ về việc lấy lại 1300 m2 vườn là không thể thực hiện được vì các lý do sau. Thứ nhất, bà M đã làm giấy uỷ quyền cho người con cả được thay mặt bà chuyển nhượng đất cho người khác. Việc uỷ quyền này được thực hiện tại phòng công chứng. Về hình thức cũng như nội dung uỷ quyền không vi phạm pháp luật. Người con trai cả đã căn cứ vào giấy uỷ quyền này để chuyển nhượng 1300 m2 đất vườn cho người khác. Việc chuyển nhượng đất đã hoàn tất và phần đất này hiện đang đứng tên bên nhận chuyển nhượng. Do vậy, không thể kiện bên nhận chuyển nhượng đất để lấy lại đất được vì bên nhận chuyển nhượng không hề có lỗi.

Điều 562 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Hợp đồng ủy quyền như sau: “Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”. Thứ  hai, bà M có thể chấm dứt uỷ quyền trước thời hạn, nhưng với điều kiện là công việc uỷ quyền chưa được thực hiện. Trường hợp này, việc uỷ quyền, tức là việc chuyển nhượng đất, đã hoàn tất, thì bà M không thể huỷ bỏ việc uỷ quyền, vì công việc theo uỷ quyền đã được thực hiện xong.

Ngoài ra, điều 569 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền có nội dung: 1. Trường hợp ủy quyền có thù lao, bên ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải trả thù lao cho bên được ủy quyền tương ứng với công việc mà bên được ủy quyền đã thực hiện và bồi thường thiệt hại; nếu ủy quyền không có thù lao thì bên ủy quyền có thể chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên được ủy quyền một thời gian hợp lý. Bên ủy quyền phải báo bằng văn bản cho người thứ ba biết về việc bên ủy quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng; nếu không báo thì hợp đồng với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp người thứ ba biết hoặc phải biết về việc hợp đồng ủy quyền đã bị chấm dứt. 2. Trường hợp ủy quyền không có thù lao, bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên ủy quyền biết một thời gian hợp lý; nếu ủy quyền có thù lao thì bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào và phải bồi thường thiệt hại cho bên ủy quyền, nếu có.

Mặc dù không thể đòi lại 1300 m2 đất vườn, nhưng luật sư cũng tư vấn cho bà M và 2 người con được biết họ có quyền khởi kiện đòi người con trai cả trả lại cho bà M 8 tỷ đồng, đã nhận từ việc bán đất. Bà M chỉ uỷ quyền cho người con trai cả được quyền thay mặt bà chuyển nhượng đất, còn bà vẫn có quyền sở hữu đối với số tiền chuyển nhượng đất. Sau khi nghe luật sư tư vấn, bà M và 2 người con quyết định sẽ yêu cầu người con trai cả phải có nghĩa vụ trao lại 8 tỉ đồng nói trên. Khi có số tiền này, bà M sẽ chia cho 2 người con còn lại. Nếu anh ta không chịu trả tiền, thì dù rất đau lòng, nhưng bà M sẽ kiên quyết kiện anh ta vì không thể chấp nhận một người con bạc tình, bạc nghĩa như vậy.  

LS Nguyễn Thị Thúy Hường
TIN LIÊN QUAN

NLĐ tự tử, thân nhân có được hưởng trợ cấp tuất?

Nam Dương |

NLĐ hết thời hạn nghỉ bệnh theo chỉ định vẫn không đến công ty thì phải xử lý sao? Thời điểm bắt đầu tính ngày nghỉ phép từ khi nào? NLĐ đang đóng BHXH mà tự tử, thì thân nhân có được hưởng trợ cấp tuất không? Trên đây là một số câu hỏi chính Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động nhận được tuần qua. Báo Lao Động trích đăng câu hỏi và trả lời.

Mất bạn vì làm ăn chung

LS Nguyễn Thị Thúy Hường |

Trong cuộc sống, những người bạn thân cùng hùn hạp làm ăn là bình thường. Có nhiều tình bạn ngày càng thân thiết từ quan hệ làm ăn, nhưng cũng không ít trường hợp tình bạn bị sứt mẻ vì liên quan đến chuyện lời lỗ trong kinh doanh. Câu chuyện của anh T và anh H sau đây là một ví dụ.

NLĐ tự tử, thân nhân có được hưởng trợ cấp tuất?

Nam Dương |

NLĐ hết thời hạn nghỉ bệnh theo chỉ định vẫn không đến công ty thì phải xử lý sao? Thời điểm bắt đầu tính ngày nghỉ phép từ khi nào? NLĐ đang đóng BHXH mà tự tử, thì thân nhân có được hưởng trợ cấp tuất không? Trên đây là một số câu hỏi chính Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động nhận được tuần qua. Báo Lao Động trích đăng câu hỏi và trả lời.

Mất bạn vì làm ăn chung

LS Nguyễn Thị Thúy Hường |

Trong cuộc sống, những người bạn thân cùng hùn hạp làm ăn là bình thường. Có nhiều tình bạn ngày càng thân thiết từ quan hệ làm ăn, nhưng cũng không ít trường hợp tình bạn bị sứt mẻ vì liên quan đến chuyện lời lỗ trong kinh doanh. Câu chuyện của anh T và anh H sau đây là một ví dụ.