Từ một lần trở thành “nạnnhân” của ngập lụt
Theo ông Nguyễn Tăng Cường – Chủ tịch Hội đồng quản trị – Tổng Giám đốc Cty Quang Trung – thì việc ông và Cty của mình bỏ ra 7 năm để nghiên cứu, chế tạo, lắp đặt, vận hành hệ thống bơm thông minh chống ngập hiện đang áp dụng tại một phần đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh, TPHCM) hiện nay xuất phát từ một lần ông trở thành nạn nhân của nạn ngập lụt ở đô thị này.
Ông kể, khoảng chừng năm 2010, trong một chuyến công tác, khi ngồi trên xe taxi di chuyển trên đường Kinh Dương Vương thì một trận mưa lớn ập xuống khiến con đường này bị ngập sâu. Nước mưa kèm với nước từ dưới cống tràn cả vào xe. Qua khung cửa kính, ông thấy hàng trăm con người đang vật lộn với dòng nước đen ngòm để về nhà. Xa hơn một chút, ông thấy có mấy công nhân đang cố gắng vớt những mảnh rác khỏi miệng cống để nước thoát nhanh hơn.
“Lúc đó, trong đầu tôi nảy lên ý định làm sao để người dân không còn phải bì bõm trong dòng nước ngập, làm sao để những người công nhân không phải vất vả đi móc rác từ những miệng cống kia nữa. Nếu vậy thì cần phải có một chiếc máy bơm công suất thật lớn để hút nước nhưng phải đủ thông minh để lọc được rác hòa lẫn. Từ đó, tôi về bắt tay vào việc thiết kế, chế tạo chiếc máy bơm như vậy để phục vụ người dân thành phố, hy vọng góp được phần nào vào công cuộc chống ngập của TPHCM” – ông Cường hồi tưởng.

Về lại Quảng Ninh – nơi đặt nhà máy chế tạo cơ khí từng một thời nổi tiếng với những sản phẩm trọng điểm quốc gia như cần cẩu dùng trong các công trình thủy điện – ông cùng đội ngũ kỹ sư của mình bắt tay vào nghiên cứu, chế tạo chiếc máy bơm đó. Sau mấy năm ròng rã nghiên cứu, chế tạo rồi hiệu chỉnh, chiếc máy cũng ra đời và được ông mang đi thử. Chiếc máy vận hành tốt, đạt được công suất tối đa lên đến 96.000m3/giờ, tối thiểu đạt 17.000m3/giờ và có thể điều chỉnh công suất từ tối thiểu lên tối đa trong thời gian ngắn. Để chiếc máy được “thông minh”, ông lắp đặt thêm hệ thống lọc, tách và thu gom rác. Chưa hết, ông còn gắn thêm hệ thống cảm biến để mỗi khi dòng nước đổ về, chúng có thể phát ra cảnh báo để công nhân có thể khỏi động máy ngay lập tức.
Chế tạo được máy xong vào năm 2016 dựa trên quá trình nghiên cứu điều kiện thực tế ở TPHCM, sau mấy lần đề xuất với UBND TPHCM, cuối cùng ông cũng được chấp nhận thực hiện dự án. Địa điểm để hệ thống bơm thông minh này chứng tỏ năng lực là đường Nguyễn Hữu Cảnh đoạn từ chân cầu thủ Thiêm đến số nhà 125 A Nguyễn Hữu Cảnh– nơi được mệnh danh là “rốn ngập” của Sài Gòn.
Đến điểm sáng về chống ngập
Giữa năm 2017, sau khi được TPHCM bố trí cho một mảnh đất rộng chừng 400m2 nằm trong khu đô thị SaiGon Pearl (phường 22, quận Bình Thạnh), vị Anh hùng Lao động trong thời kỳ Đổi Mới này cùng công nhân tháo từng chi tiết của chiếc máy nặng hàng chục tấn này đưa vào vị trí lắp đặt. Mảnh đất nằm dọc bờ sông Sài Gòn vốn đầy sinh lầy khiến công tác thi công hầm chứa, nhà điều hành, hệ thống cống gom nước từ đường Nguyễn Hữu Cảnh và lưu vực xung quanh gặp không ít khó khăn.
Ban ngày, ông cùng công nhân đào sâu vào lòng đất, hút bùn, đổ bê tông để làm hầm chứa chiếc máy bơm khổng lồ. Ban đêm, đích thân ông ra cùng anh em kỹ thuật đặt hệ thống cống băng ngang qua đường Nguyễn Hữu Cảnh, lắp đặt các miệng thu bằng thép. Sau chừng 2 tháng, hệ thống bơm thông minh đã hình thành và bước vào thử thách đầu tiên để chứng minh năng lực của mình trong mùa mưa đầu tiên.
Vận hành xuyên suốt mùa mưa năm 2017, 2018, hệ thống bơm đã phát huy được tác dụng khi hàng chục lần hút nước mưa trên đoạn đường “rốn ngập” này. Những chiếc ôtô thoát cảnh bị thủy kích, phải gọi xe cứu hộ đến kéo về mỗi khi chết máy, những con hẻm xung quanh cũng thoát cảnh ngập triền miên, người đi xe máy không phải bì bõm trong dòng nước ngập trên đoạn đường máy bơm đảm trách.

Ghi nhận hiệu quả từ mô hình chống ngập bằng hệ thống máy bơm thông minh của Cty Quang Trung, TPHCM tổ chức ký hợp đồng nguyên tắc vào năm 2017 rồi đến 19.4.2018 thì ký hợp đồng chính thức thuê lại trong thời gian 7 năm để chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh.
Những ngày đầu tháng 5 này, khi TPHCM bước vào mùa mưa, những người công nhân được ông Cường bố trí phải tập trung cao độ để ứng phó với những trận mưa lớn có thể ập đến bất cứ lúc nào. Theo người đứng đầu Cty Quang Trung, do phải nhận nhiệm vụ chống ngập thường xuyên cho con đường Nguyễn Hữu Cảnh và lưu vực rộng hơn 75ha với hàng trăm nghìn dân sống trong các cao ốc dày đặt nên Cty phải duy trì thường xuyên công nhân và kỹ sư vận hành.
“Do tiêu chí đánh giá ngập là mực nước trên đường phải dưới 10cm sau khi mưa chấm dứt 30 phút nên bọn em phải trực hệ thống 24/24. Để có thể nắm được tình hình thời tiết, Cty đã trang bị hệ thống đo tốc độ gió, vũ lượng và hệ thống camera quan sát gắn ở nhiều vị trí. Bên cạnh đó, với hệ thống các cảm biến, hễ nước dâng lên trong cống là bọn em bật máy hút ngay để chống ngập ngay từ đầu. Còn lúc không có mưa thì bọn em chỉ duy trì hệ thống bơm điện để hút nước thải sinh hoạt đổ về” – một công nhân của Cty Quang Trung chia sẻ.
Với hiệu quả chống ngập tốt, ổn định nên hệ thống bơm thông minh chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh được các cơ quan chuyên môn của TPHCM cũng như người dân đánh giá đạt hiệu quả, là cứu cánh để người dân thoát khỏi cảnh ngập triền miên mỗi khi mưa lớn, còn chính quyền thành phố thì bớt đi một khoản đầu tư lớn khi thuê dịch vụ này.